Khai mạc hội nghị thượng đỉnh APEC 13

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng chung

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng chung

Chiều 18-11, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã dự khai mạc Hội nghị thượng đỉnh thường niên lần thứ 13 kéo dài 2 ngày tại Busan (Hàn Quốc). Hội nghị thảo luận một loạt vấn đề nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực. Chủ đề chính của ngày đầu tiên là các vấn đề thương mại toàn cầu.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng chung ảnh 1

Nguyên thủ các nước tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Phát biểu tại phiên họp ngày đầu tiên của Diễn đàn APEC, Chủ tịch nước Trần Đức Lương bày tỏ mong muốn các thành viên APEC sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam sớm kết thúc đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như tính tới Gói cam kết gia nhập của các thành viên mới được kết nạp và đang đàm phán gia nhập để có những linh hoạt nhất định đối với các thành viên này.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhấn mạnh, Việt Nam sẽ đăng cai APEC 2006 và việc trở thành thành viên WTO là một trong những điều kiện cần để Việt Nam chủ trì thành công APEC 2006.

Trước đó, ngay trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh APEC, Chủ tịch nước Trần Đức Lương cùng với sáu nhà lãnh đạo ASEAN là thành viên của APEC đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ George W. Bush. Đây là cuộc gặp thứ hai và nằm ngoài khuôn khổ Quan hệ đối thoại ASEAN-Mỹ đã có từ gần 30 năm qua.

Tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trần Đức Lương khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN và Mỹ để thúc đẩy quan hệ song phương lẫn đa phương, góp phần hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chủ tịch Trần Đức Lương đề nghị Mỹ và đích thân Tổng thống George W. Bush có hành động phù hợp để sớm kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO. Chủ tịch khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC năm 2006 tại Hà Nội và mong đợi sự hợp tác, hỗ trợ của các thành viên khác.

Trong ngày 19-11, sẽ có hàng loạt các cuộc thảo luận tập trung vào các biện pháp đối phó với dịch cúm gia cầm, chống khủng bố, bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh giá dầu cao, chống tham nhũng và đối phó với thảm họa thiên nhiên. Các nhà quan sát cho rằng APEC đã chứng tỏ sự hợp tác hiệu quả trước những tình huống khẩn cấp ảnh hưởng an ninh và dịch bệnh toàn khu vực.

Các lãnh đạo APEC hy vọng những sáng kiến đưa ra tại hội nghị nhằm đối phó với dịch cúm gia cầm, trong đó có “Sáng kiến về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ảnh hưởng của cúm gia cầm và đại dịch cúm” do Australia, Mỹ, Canada, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đồng bảo trợ, sẽ đem đến những kết quả khả quan như trường hợp hợp tác đối phó dịch SARS thành công năm 2003 của APEC.

Sự phối hợp trong APEC còn được thể hiện trong cách thức đối phó trước những thảm họa thiên nhiên. Bên cạnh việc thành lập một trung tâm khí hậu khu vực tại Busan để phân tích thông tin về mọi hiện tượng thời tiết bất thường khu vực, sắp tới một trung tâm nghiên cứu về môi trường cũng sẽ được thành lập. Ngoài ra APEC còn dành thời gian thảo luận về tiêu chuẩn an toàn của các hãng hàng không tại Thái Bình Dương.

Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cho biết, tại APEC, Thái Lan sẽ thúc đẩy việc thông qua quy định về “bầu trời mở” đối với các hoạt động hàng không dân dụng quốc tế. Nga thì đề nghị thành lập trung tâm an ninh hoa tiêu trên biển trong khuôn khổ APEC. Trong hai ngày họp, các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra thông điệp chính trị mạnh mẽ nhằm thúc đẩy các cuộc thương lượng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trước cuộc họp cấp bộ trưởng của tổ chức này diễn ra tại Hồng Công vào tháng tới. Sự hợp tác ngày càng hiệu quả của các thành viên APEC, cũng như sự lớn mạnh không ngừng của tổ chức này đã chứng tỏ APEC đang ngày càng có uy tín.

An ninh được thắt chặt tối đa trong thời gian diễn ra Hội nghị với 46.000 người được huy động bảo vệ hội nghị. Trong khi đó, một cuộc biểu tình rầm rộ dự kiến khoảng 100.000 người tham gia để chống toàn cầu hóa và phản đối các nước giàu trợ cấp nông nghiệp. 

H.A (tổng hợp)

Ngày 18-11, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, các nguyên thủ tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ quan trọng về các vấn đề thúc đẩy tự do thương mại, hòa giải các vấn đề căng thẳng, hợp tác chống khủng bố…

Trong cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ Việt Nam và Malaysia, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng A.A. Badawi bày tỏ vui mừng về việc quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Malaysia ngày càng đi vào chiều sâu, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm sau cao hơn năm trước.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương đánh giá cao việc Malaysia đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Đông Á lần đầu tiên vào tháng tới và khẳng định Việt Nam sẽ làm hết sức mình để đóng góp vào thành công của hội nghị. Chủ tịch nước cũng đề nghị Thủ tướng Malaysia có tiếng nói tích cực hơn trong việc ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO tại Hội nghị Bộ trưởng WTO ở Hồng Công (Trung Quốc) vào tháng 12 tới. Thủ tướng Badawi khẳng định Malaysia luôn coi Việt Nam là nước bạn bè gần gũi và sẽ tác động để Việt Nam sớm trở thành thành viên của WTO. Ông nhấn mạnh việc trở thành thành viên của WTO không chỉ đem lại lợi ích cho riêng Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á, cũng như thế giới. Thủ tướng Badawi cũng đánh giá cao kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong lĩnh vực khai thác dầu khí và bày tỏ mong muốn sớm mở rộng quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực hàng không.

Chiều 18-11, Thị trưởng TP Busan Hua Nam Xích đã đến chào xã giao Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Tối cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và phu nhân dự tiệc chiêu đãi chính thức tại trung tâm Hội nghị BEXCO.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hội đàm với Tổng thống Chile Richard Lagos về tăng cường hợp tác kinh tế thương mại, song phương, cử hành nghi thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do. Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Roh Moo Hyun và Thủ tướng Junichiro Koizumi để thảo luận về tuyên bố của vòng đám phán 6 bên và cùng đưa ra các phương án hợp tác giữa 2 nước nhằm thúc đẩy đàm phán 6 bên đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa. Tổng thống Mỹ G.W.Bush hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin về các vấn đề hợp tác an ninh chống khủng bố, vấn đề hạt nhân Iran và các vấn đề mậu dịch Nga Mỹ nhằm thúc đẩy việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…

N.M. - V.A. (Tổng hợp Yonhap, THX)

Tin cùng chuyên mục