Thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách

Ngày 23-9, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Dương Quyết Thắng, hiện nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện. Đến 31-8-2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7% với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

NHCSXH đã thực hiện vốn tín dụng chính sách đến 100% xã phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 31-8-2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động; gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập...

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, NHCSXH và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 - 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Hoan nghênh TPHCM có chủ trương hàng năm sẽ bổ sung thêm ít nhất 600 tỷ đồng cho vay các đối tượng chính sách, Phó Thủ tướng đề nghị HĐND, UBND các địa phương tiếp tục dành một phần nguồn vốn thích đáng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Tối thiểu mỗi địa phương khó khăn đến mấy cũng phải có 100 tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH. “16 tỉnh cân đối được ngân sách thì ít nhất phải có 500 tỷ đồng, còn Hà Nội và TPHCM mỗi địa phương có ít nhất 5.000 tỷ đồng, như vậy mới có nguồn lực để mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian và nâng mức cho vay”, Phó Thủ tướng kêu gọi.

Hiện nay, vốn của địa phương ủy thác qua NHCSXH còn rất hạn chế, chỉ đạt hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng nguồn vốn; trong khi đó riêng Hà Nội là gần 2.873 tỷ đồng, TPHCM 1.687 tỷ đồng, Bình Dương 1.190 tỷ đồng. Cả nước chỉ có 32/63 tỉnh có mức ủy thác qua NHCSXH trên 100 tỷ đồng. “Cần tập trung huy động nguồn lực và hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả hơn tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Tin cùng chuyên mục