Thực hiện nếp sống văn minh tại các điểm di tích ở Côn Đảo

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày một tăng, trong đó một phần lớn du khách có nhu cầu tham quan các điểm di tích. Tuy nhiên, cùng với tham quan là hành lễ, dâng hương, đốt vàng mã khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Du khách hành lễ tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo)
Du khách hành lễ tại Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo)

Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện Côn Đảo có gần 60 cơ sở kinh doanh đồ lễ (đồ thờ cúng), chủ yếu là các mặt hàng như trái cây, vàng mã, hoa tươi, mâm xôi, heo, gà quay và một số vật dụng khác. Du khách đến đảo đông, buôn bán đồ lễ nở rộ, tình trạng đốt vàng mã cũng phổ biến. Vì vậy, ngày 12-6 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo có thông báo số 195/TB về việc thực hiện chủ trương hạn chế và tiến tới dừng đốt vàng mã tại các điểm di tích trên đảo.

Theo chị L.T.H, chủ một tiệm kinh doanh vàng mã, việc dừng, cấm đốt vàng mã trong di tích cần tính toán lại cho phù hợp để người dân buôn bán mặt hàng này bớt lo lắng. Các hộ kinh doanh đồ lễ sẵn sàng góp kinh phí để xây dựng nơi hóa vàng an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường như ở Nghĩa trang Hàng Dương. Trong khi đó, ở góc độ khách du lịch, chị Bùi Ngọc Minh (du khách đến từ Nam Định) cho rằng, việc đốt vàng mã là một tập tục, tín ngưỡng lâu đời của người dân Việt Nam, miễn sao không để lạm dụng, biến tướng thành mê tín dị đoan và đặc biệt phải an toàn về cháy nổ.

Theo thống kê của ngành du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2023, Côn Đảo đón 385.765 lượt khách, tăng 45% so với cùng kỳ. Hầu hết du khách khi đến Côn Đảo đều viếng thăm Nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo, Cầu tàu 914… Khi đi viếng ở các di tích, tính trung bình cứ 2 người thì có 1 người cúng vàng mã và con số đốt vàng mã ở Nghĩa trang Hàng Dương lên đến cả ngàn bộ/ngày.

Ghi nhận thực tế cho thấy, giá một bộ đồ lễ chỉ có vàng mã (chưa có trái cây, hoa tươi) rẻ nhất là 200.000 đồng/bộ, còn lại từ 450.000-900.000 đồng/bộ, có thể lên tới 3-5 triệu đồng bao gồm cả đồ lễ là mâm xôi, gà, heo quay, áo dài... Nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt nên hạn chế đốt vàng mã, thay vào đó đổi dần sang việc cúng đồ lễ thật. Như vậy, thức ăn sau khi cúng có thể được sử dụng, vải vóc có thể tặng cho học sinh may quần áo, đồ vật cũng có thể được tái sử dụng tránh gây lãng phí.

Ông Lê Văn Phong, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, chủ trương của huyện chỉ là hạn chế chứ không cấm đốt vàng mã, chủ yếu là vận động du khách và người dân hạn chế để tránh lãng phí tiền bạc và đảm bảo nơi đốt vàng mã không ảnh hưởng đến môi trường. Việc hạn chế đốt vàng mã chỉ thực hiện trong các di tích do Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo quản lý. Chủ trương sẽ được triển khai có lộ trình và mục tiêu trước mắt là hạn chế đốt vàng mã, giảm thiểu rác thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn mà huyện đang thực hiện.

Tin cùng chuyên mục