Thức ăn và dinh dưỡng
Bữa cơm ngày tết làm thay đổi chế độ ăn uống của chúng ta: món ăn nhiều đạm, nhiều món dầu mỡ, sử dụng rượu bia, ăn quá nhiều, bỏ bữa, ăn không đúng bữa... Hậu quả để lại là sau mỗi dịp tết, rất nhiều người trong chúng ta gặp những vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, viêm gan, tim mạch, rối loạn tiêu hóa, tăng cân... Tác động trực tiếp là cơ thể bất ổn, công việc, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng và ta phải chật vật mới có thể quay lại thói quen ăn uống lành mạnh ban đầu.
Chính vì vậy, ăn tết sao cho lành mạnh trở thành băn khoăn của rất nhiều người. Theo ba tác giả, thực phẩm lành mạnh là thực phẩm có hàm lượng cao các loại vitamin, khoáng chất và hoạt chất tự nhiên - những dưỡng chất vô cùng quan trọng. Đồng thời, các thực phẩm này cũng phải chứa ít muối, đường, chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa là những yếu tố có khả năng gây bệnh cao.
Các tác giả đi sâu nghiên cứu năm nhóm thực phẩm thông dụng tương ứng với năm tập sách: Đậu - hạt và ngũ cốc; Trái cây; Gia vị và thảo dược; Rau củ và cuối cùng là Dầu, cá và thực phẩm lên men.
Tập sách Trái cây và Rau củ cung cấp kiến thức về nhóm thực phẩm cầu vồng. Theo đó, mỗi loại thực phẩm có màu sắc khác nhau sẽ có những tác dụng khác nhau. Ví dụ thực phẩm màu xanh (rau ăn lá, quả bơ, các loại rau cải, vi tảo...) chứa lutein, chlorophyll, indoles giúp tăng cường miễn dịch, khử độc, chống ung thư, hỗ trợ cân bằng hormone... Thực phẩm màu cam/vàng như ớt chuông, bí đỏ, mơ, xoài, cam... có carotene và xanthophyll cung cấp vitamin A, chống ung thư, bảo vệ mắt, não, tăng cường miễn dịch...
Cuốn sách Đậu - hạt và ngũ cốc khẳng định tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đa dạng. Không một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm nào có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng mà chúng ta phải biết cách phối hợp chúng với nhau. Ba bữa ăn điển hình thường có 13 loại thực phẩm thì chế độ đa dạng sử dụng tới 35 loại thực phẩm, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể tốt hơn. Bên cạnh đó, cuốn Dầu, cá và thực phẩm lên men đưa ra chế độ dinh dưỡng của những dân tộc khác như người Địa Trung Hải, người Nhật, người Eskimo. Điểm chung của họ là chọn các thực phẩm tươi theo mùa, không chứa hóa chất công nghiệp và ăn uống đa dạng.
Thức ăn và tác dụng chữa bệnh
Ngoài cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, thức ăn còn được sử dụng như thuốc. Hiện nay, chi phí điều trị bệnh ngày càng tăng cộng thêm những tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng không tốt đến cơ thể. Việc hấp thụ các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm trở thành phương pháp đơn giản và tối ưu để bảo vệ sức khỏe.
Chúng ta có thể cải thiện sức khỏe ngay từ những loại thực phẩm thường gặp trong căn bếp. Cuốn Gia vị và thảo dược cung cấp thông tin về chất capsaicin trong ớt giúp loại thải độc chất qua mồ hôi và giảm cholesterol ở người béo phì. Hay mật ong có thể chữa lành viêm loét và kháng khuẩn vì có hoạt chất hydrogen peroxide và ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp vì có hoạt chất diphenhydramine ức chế cơn ho.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần để ý đặc tính của từng loại thực phẩm để hấp thu dưỡng chất tối đa. Chẳng hạn bắp cải sẽ lưu lại nhiều dược tính và dinh dưỡng hơn khi ta chỉ nấu sơ hoặc ăn sống, ăn lớp lá ngoài sẽ chứa nhiều vitamin E và hơn 30% canxi so với lớp lá trong. Nếu pha ca cao với sữa thì sữa sẽ cản trở hấp thu polyphenol trong ca cao. Cá hồi nên nướng trong giấy bạc ở nhiệt độ cao để giữ lại dưỡng chất trong cá.
Với những kiến thức súc tích, rành mạch mà bộ Healing foods: Dinh dưỡng và chữa bệnh chia sẻ, các bạn sẽ không còn phải đau đầu với những thực đơn giảm cân nghiêm ngặt sau tết. “Hãy tận dụng những đặc tính kỳ diệu từ các loại thực phẩm để đem lại lợi ích cho sức khỏe” cũng chính là thông điệp bộ ba tác giả Susan Curtis, Pat Thomas và Dragana Vilinac muốn gửi gắm đến bạn đọc.
Từ những hiểu biết về các thành phần dinh dưỡng và công dụng của từng loại thức ăn, chúng ta có thể xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng, duy trì và tăng cường sức khỏe, phòng ngừa và chữa trị bệnh hiệu quả.