Thuế, hải quan vẫn là hai lĩnh vực nhiều bức xúc

Ngày 15-2, hơn 200 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản và Việt Nam đã tham gia cuộc đối thoại với lãnh đạo Cục Thuế và Cục Hải quan TPHCM. Phần lớn ý kiến của DN tập trung vào những bất cập trong hoạt động thuế và hải quan.
Thuế, hải quan vẫn là hai lĩnh vực nhiều bức xúc

Ngày 15-2, hơn 200 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản và Việt Nam đã tham gia cuộc đối thoại với lãnh đạo Cục Thuế và Cục Hải quan TPHCM. Phần lớn ý kiến của DN tập trung vào những bất cập trong hoạt động thuế và hải quan.

Làm thủ tục thuế

Tại hội nghị, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, cho biết hải quan đang thực hiện phân luồng xuất nhập khẩu. Tỷ lệ DN xếp vào luồng đỏ chiếm 5%, luồng vàng chiếm 38% và luồng xanh chiếm 57%; DN xếp vào loại phải kiểm tra chuyên ngành chiếm 35%. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất mà các DN Nhật Bản gặp phải là chi cục hải quan các tỉnh, thành không tuân thủ đúng quy định thời gian hoàn thuế cho DN (15 ngày, nếu thuộc diện phải kiểm tra trước; 7 ngày, với trường hợp không thuộc diện kiểm tra trước). Việc xác định trang thiết bị thuộc diện hàng hóa tạm nhập tái xuất hay hành lý khi nhập cảnh vào Việt Nam cũng rất khó khăn với các chuyên gia Nhật Bản. Ngoài ra, cộng đồng DN Nhật Bản cũng phàn nàn nhiều về thái độ của ngành hải quan. Nhiều cán bộ từ chối sử dụng thông quan điện tử mà yêu cầu DN phải nộp giấy nộp tiền mới cho thông quan hàng hóa, gây phiền hà cho DN.

Riêng lĩnh vực thuế, bức xúc lớn nhất của nhiều DN là cách tính phạt lãi chậm nộp thuế. Đại diện Cục Thuế cho biết, lãi chậm nộp được tính từ ngày phát sinh đến ngày DN thực nộp.

Theo nhiều DN Nhật, điều này chưa hợp lý. Việc tính lãi nộp chậm và mức nộp đã được thể hiện rõ trong biên bản thanh tra, kiểm tra của Cục Thuế. Phần còn lại, thời gian chờ từ lúc DN ký biên bản thanh, kiểm tra thuế đến khi Cục Thuế ra quyết định phạt, không phải lỗi do DN chậm nộp, nên không thể tính lãi chậm nộp thêm cho khoảng thời gian chờ ra quyết định của Cục Thuế. Không những thế, việc hồ sơ thuế DN đã bị kiểm tra và xử lý cách đó 3 năm, nhưng đến nay lại tiếp tục bị lật lại kiểm tra và DN vẫn có khả năng bị phạt lại là không thỏa đáng. Vì có những DN đã chuyển đổi nhân sự, thậm chí chuyển đổi chủ sở hữu. Do đó, cộng đồng DN Nhật cho rằng, ngành thuế cần phải chịu trách nhiệm với quyết định kiểm tra trước đây và không nên bắt DN phải chịu vấn đề do mình quản lý thiếu sót trước đó.

Đại diện Cục Thuế TP ghi nhận những ý kiến này, tuy nhiên, cũng đưa ra giải pháp: Trong khi chờ kiến nghị thay đổi, DN có thể thực hiện nộp thuế và lãi chậm nộp ngay tại thời điểm ký biên bản thanh, kiểm tra thuế. Như vậy, sẽ tránh bị tính thêm tiền lãi từ khi DN ký biên bản thanh tra, kiểm tra thuế đến lúc thực nộp.

Đại diện Cục Hải quan TP cũng nhấn mạnh, nếu DN chỉ rõ những chi cục và cán bộ hải quan nào đang nhũng nhiễu, gây khó, Cục Hải quan TP sẽ xử lý ngay. Riêng với những vướng mắc ngoài địa bàn TP, các DN nên có văn bản khẩn cấp gửi Tổng cục Hải quan để được hỗ trợ giải quyết ngay, tránh gây ảnh hưởng dòng tiền kinh doanh của DN. DN cần kiên quyết từ chối nộp giấy nộp tiền và buộc cán bộ hải quan phải tra cứu điện tử.

Ông Thắng cũng đề nghị các hiệp hội DN thường xuyên tổ chức đối thoại với nhau. DN cũng cần đề xuất giải pháp quản lý với Cục Hải quan để tạo thuận lợi cho DN trong quá trình xuất nhập khẩu, tránh tình trạng khó mới kêu, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Hiện Cục Hải quan TPHCM đang cố gắng giảm tỷ lệ DN xếp luồng vào từ 38% xuống còn 28% và tăng lượng DN luồng xanh từ 57% lên 67%. Tỷ lệ DN luồng đỏ vẫn ở mức 5%. Đồng thời, làm việc với các bộ ngành chuyên môn để giảm tỷ lệ DN phải kiểm tra chuyên ngành từ 35% xuống còn 15% trong năm 2017.


ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục