Thương hiệu cho nông sản Hậu Giang

Thương hiệu cho nông sản Hậu Giang

Khóm Cầu Đúc, bưởi Năm Roi trà Phú Hữu, cá thát lát mình trắng đang được Hậu Giang quan tâm bảo tồn giống gốc. Nếu được chính sách hỗ trợ phát triển của Bộ NN-PTNT, Bộ Thủy sản; sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp thì việc xây dựng thương hiệu, tạo nên những vùng chuyên canh nuôi trồng lớn, chất lượng cao sẽ trao cơ hội thoát nghèo cho hàng ngàn nông hộ của Hậu Giang và tăng thế cạnh tranh cho “2 cây + 1 con” của Hậu Giang trên thị trường nông sản trong nước và khu vực.

Thương hiệu cho nông sản Hậu Giang ảnh 1

Thu hoạch Bưởi Năm Roi...

Theo lão nông Nguyễn Văn Tách (ngụ ấp Mỹ Hiệp, xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh) thì cây khóm bén chân ở vùng Cầu Đúc từ năm 1931 - năm thực dân Pháp làm cây cầu bê tông ximăng lớn nhất miệt sông Hậu thời bấy giờ, bắc ngang sông Cái Lớn. Người miền Tây Nam bộ xưa nay gọi chung tất cả cầu loại này là “cầu đúc”. Và trái khóm Cầu Đúc Hậu Giang đã 74 năm sống khỏe trên đất Hoả Tiến, kế đó là Vĩnh Viễn - cùng là đất phèn nhiễm mặn.

Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen, nguồn gốc Thái Lan. Theo phân loại của Bộ Nông nghiệp- PTNT, khóm Cầu Đúc của Hậu Giang thuộc tiểu nhóm “Queen cổ điển”, trái dạng hình thang, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn, ngọt.

Năng suất trung bình 20 tấn/ha, trọng lượng 1,2 - 1,5kg/ trái. Nhiều nông dân khẳng định: cây giống khóm Cầu Đúc đem trồng địa phương khác cũng đất phèn nhiễm mặn thì phẩm chất trái giảm hẳn: nhiều xơ, lõi to, không giữ được màu vàng đậm, vị ngọt dịu. Năm 1989, diện tích khóm Cầu Đúc Hậu Giang đạt 4.700 ha, Liên Xô và các nước Đông Âu là thị trường tiêu thụ chính.

Diện tích hiện nay còn 1.500ha. Khóm Cầu Đúc thích hợp làm nguyên liệu chế biến nước dứa ép, dứa sấy khô không tẩm đường; kẹo, mứt; rượu, nước giải khát có ga… Lá dứa làm sợi, bột giấy; bã dứa là nguyên liệu tốt để chế biến thức ăn gia súc.

Xã Phú Hữu (Châu Thành - Hậu Giang)- vùng quê trù phú cặp sông Hậu - có 2.036 ha đất sản xuất là đất vườn, diện tích bưởi “Năm Roi trà” chiếm 1.124 ha. Với hệ thống đê bao khép kín, nửa triệu cây bưởi Năm Roi Phú Hữu không lo bị ngập khi lũ về hạ nguồn.

Thạc sĩ Phạm Hoài An cho biết các nhà vườn đã nhất trí xác nhận giống bưởi này được cụ Mười Phát – ấp Phú Lễ A đưa từ Kế Sách (Sóc Trăng) về trồng ở Phú Hữu khoảng năm 1939. Cụ Bảy Lợi năm nay 72 tuổi cho biết những cây giống đầu tiên của vườn nhà mình đều lấy từ vườn cụ Mười Phát.

Bưởi Năm Roi trà Phú Hữu (Hậu Giang) rất khác với bưởi Năm Roi dây được trồng nhiều ở Phong Hòa, Bình Minh (Vĩnh Long): trái tập trung ở thân cây (Năm Roi dây cho trái tập trung ngoài chót nhánh); trái to, núm xổm cao, da sần màu hơi vàng, cuống trái lớn (Năm Roi dây trái nhỏ hơn, núm gom nhọn, da bóng màu xanh, cuống trái nhỏ); phần lá nhỏ có hình trái tim (lá bưởi Năm Roi dây không có đặc điểm này); múi bưởi khi chín rất đầy đặn, không hạt; màu vàng mỡ gà, tép bưởi ráo rẻ, vị ngọt thoảng chua thanh, không đắng, the (bưởi Năm Roi dây khi chín cũng không hạt, không đắng, the, nhưng thịt trái màu vàng nhạt, vị ngọt dịu).

Bưởi Năm Roi trà trái lớn, vỏ vàng đẹp nên giá cao; “rượu bưởi” Phú Hữu cũng rất được ưa chuộng. Hiện nay sản lượng bưởi cả xã đạt trên 84.300 tấn/năm (bình quân 210 trái/cây/năm). Ưu điểm của bưởi Năm Roi trà Phú Hữu là trồng tập trung, dễ đầu tư kỹ thuật tạo nguồn trái chất lượng cao cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa.

10 năm trước, vào cận tết, khi cải tần ô rộ chợ thì cũng là lúc người ĐBSCL ăn… cá thát lát vì thời điểm này giá cá thát lát rẻ nhất. Bây giờ đã khác xưa: cá thát lát cao giá quanh năm, 80.000 - 100.000đ/kg cá nạo thịt. Theo kỹ sư Đặng Ngọc Giao, hệ sinh thái mặt nước Hậu Giang rất đa dạng, nơi thường trú của 145 loài cá; khu vực có cá thát lát nhiều nhất tỉnh là huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, thị xã Vị Thanh.

Cá thát lát Hậu Giang mình trắng, vảy sáng; thịt cá trắng hồng, sớ thịt mịn. Cá nơi khác mình đen, vảy to, thịt trắng đục. Trong đợt thu mẫu ngày 8-11-2004 Chi cục Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản TP Cần Thơ phân tích: 1,92kg cá nguyên liệu nạo được 1kg thịt (cá nơi khác cần 2,2kg); hàm lượng béo thô của cá thát lát Hậu Giang là 2,1% (cá nơi khác 0,13%).

Theo kết quả phân tích của Bộ môn CNTP - Khoa NN Trường ĐH Cần Thơ: hàm lượng protein thô của cá thát lát Hậu Giang là 17,08% (cá nơi khác 15,95-16,21%). Trước năm 1985, mùa thu hoạch cá chính vụ là từ sau khi nước lũ rút - tháng 10ÂL - đến hết tháng 2ÂL, chỉ 1 xã Vĩnh Viễn đã thu hoạch 50-70 tấn/năm.

Hiện nay sản lượng cá thát lát khai thác trong toàn tỉnh Hậu Giang khoảng 360 tấn/năm, đáp ứng 10% nhu cầu thị trường. Hậu Giang có hơn 54.000ha mặt nước có thể nuôi thuỷ sản nước ngọt, 1 trung tâm giống nông nghiệp, 2 cơ sở sản xuất cá thát lát giống với thiết bị, quy trình hoàn chỉnh, sản xuất 4-5 triệu cá bột/năm. 

NGUYỄN THỊ KỲ

Tin cùng chuyên mục