Thương hiệu quốc gia chắp cánh cho hàng Việt

Đối với đông đảo người tiêu dùng, việc chọn lựa sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp đoạt danh hiệu thương hiệu quốc gia (THQG) được xem là lựa chọn an toàn có bảo chứng. Do vậy, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu để được chứng nhận THQG, từ đó làm bệ phóng tăng doanh thu, thị phần. 
Thương hiệu quốc gia chắp cánh cho doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng
Thương hiệu quốc gia chắp cánh cho doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng

Theo Bộ Công thương, trong 3 năm trở lại đây, giá trị, thứ hạng THQG của Việt Nam liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Cụ thể, báo cáo từ Brance Finance cho thấy, năm 2021, THQG của Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, đạt 388 tỷ USD, duy trì thứ hạng 33 trong tốp 100 THQG mạnh trên thế giới.

Chia sẻ với báo chí bên lề Tuần lễ THQG Việt Nam 2022 mới đây, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cũng khẳng định, chương trình THQG Việt Nam có đóng góp lớn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá hình ảnh, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu... Theo đó, với sự hỗ trợ của chương trình THQG Việt Nam, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm, doanh nghiệp. Minh chứng, rất nhiều thương hiệu Việt đã gây được tiếng vang trên thị trường khu vực và thế giới.

Đáng chú ý, sau ảnh hưởng dịch Covid-19, các doanh nghiệp THQG ngay lập tức đã thể hiện được tinh thần tiên phong, đổi mới sáng tạo tập trung vào việc phát triển các sản phẩm chất lượng cao và đưa ra thị trường. Công ty TNHH MTV Ladofoods cho biết, 2 năm qua dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh, tìm kiếm khách hàng của doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn, những sản phẩm đạt THQG luôn được khách hàng tin tưởng, ký hợp đồng. Hay với Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, nhờ xây dựng THQG mà sản phẩm của doanh nghiệp này đã được người tiêu dùng lựa chọn, tin tưởng và sử dụng nhiều hơn so với trước…

Những dẫn chứng kể trên cho thấy THQG có vai trò quan trọng và doanh nghiệp cần tận dụng tốt hơn trong bối cảnh cạnh tranh thị phần hàng hóa đang ngày càng gay gắt. Cụ thể, mỗi doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng trong tiếp cận người tiêu dùng. Kinh nghiệm từ Sunhouse cho thấy, thời gian đầu khi đưa sản phẩm ra thị trường, dù có chất lượng tốt, giá thấp hơn 15% sản phẩm cùng loại ngoài thị trường nhưng không được người tiêu dùng chú ý. Doanh nghiệp đã chấp nhận chịu lỗ để xây dựng thương hiệu với cách làm như giảm giá sâu sản phẩm, thực hiện quảng bá…, đến nay thương hiệu này đã được đông đảo người tiêu dùng biết tới. Hay điển hình là TH True Milk, trên nền tảng một THQG, TH True Milk đã có những bước tiến đáng kể trên thị trường thế giới khi được nhiều nước chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu. Tại thị trường trong nước, doanh nghiệp mở rộng đầu tư dự án tại nhiều tỉnh, thành. TH True Milk trở thành thương hiệu quen thuộc được người tiêu dùng tin tưởng.

Trong giai đoạn tới, để hàng hóa Việt tăng sức cạnh tranh, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nhằm đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ THQG Việt Nam. Cũng theo ông Phú, đồng hành cùng doanh nghiệp, Bộ Công thương tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tham gia tích cực hơn nữa trong xây dựng, quảng bá hình ảnh. Mục tiêu giai đoạn 2020-2030, sẽ có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam tham gia gắn kết thương hiệu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp với các hoạt động ngoại giao, đầu tư, quảng bá văn hóa du lịch của Việt Nam, góp phần xây dựng THQG Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, thu hút các nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục