Quá sững sờ khi hay tin chú Tư không còn nữa. Chú đi nhanh và để lại khoảng trống vắng khó bù đắp trong tâm tưởng của nhiều người. Ở tuổi 85 mà chú vẫn say sưa làm việc, như một người hiền sống giữa nhân gian, lúc nào cũng muốn cứu giúp mọi người thoát vòng bệnh tật, nhưng đến lượt mình thì vẫn không thể vượt qua. Cơn bạo bệnh ập đến và đã cướp mất chú Tư rồi - người thầy thuốc có tâm tài vẹn toàn như chú thật đáng kính và quá đỗi thân thương.
Sinh ra ở An Xuyên - Cà Mau, cha mất sớm do bệnh phổi, lúc 14 tuổi, mẹ làm nữ hộ sinh, ông nuôi hy vọng theo học ngành y để có cơ hội trị bệnh cứu người. Gia đình không khá giả nhưng có ý chí, ông tìm cách lên Sài Gòn học Trường Petrus Ký rồi sau đó có học bổng sang Pháp - vừa học vừa làm cho đến khi tốt nghiệp tiến sĩ chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực tại ĐH Y Dược Bordeaux. Năm 1960 về nước, ông công tác tại Viện Chống lao Trung ương (Hà Nội), cùng GS Tôn Thất Tùng mổ những ca phức tạp và là một trong những bác sĩ có công xây dựng khoa phẫu thuật phổi ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Năm 1965, bác sĩ Dương Quang Trung tình nguyện đi B - đáp ứng yêu cầu của chiến trường miền Nam theo chủ trương của Đảng và của Bác. Vừa về đến căn cứ Trung ương Cục ở Miền Đông Nam bộ thì bắt tay ngay vào việc xây dựng Bệnh viện Hoàng Lê Kha phục vụ cán bộ của Ban Dân Y. Thời gian sau đó thì vào nội thành Sài Gòn - Gia Định hoạt động trong Ban Trí vận và vận động đưa nhiều nhân sĩ trí thức, y bác sĩ ra chiến khu, trong đó có các vị sau này tham gia Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Chú Tư là Giám đốc Sở Y tế TPHCM những năm đầu giải phóng và giữ trọng trách này trong thời gian khá dài. Dấu ấn mà chú Tư để lại chính là việc củng cố các bệnh viện, triển khai công tác phòng chống dịch bệnh, thành lập các trung tâm chuyên khoa sâu - sử dụng kỹ thuật cao; thành lập Viện Tim; thành lập Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế nay là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; là việc mạnh dạn đề xuất mở ra những phòng mạch, những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân… Những năm còn bị bao vây cấm vận mà TPHCM vẫn có thuốc men, vẫn nhập trang thiết bị y tế, rồi đưa người ra nước ngoài học cách vận hành máy móc, học tập để không ngừng nâng cao trình độ khám chữa bệnh cho nhân dân. Trong thời kỳ khó khăn, việc huy động nguồn lực hỗ trợ cho ngành y bao gồm cả trong nước và ngoài nước là việc làm có ý nghĩa quan trọng và có công lớn của chú Tư. Chú Tư là người có sức tập hợp và khả năng quy tụ đội ngũ y bác sĩ được đào tạo từ các nguồn, luôn khuyến khích nghiên cứu ứng dụng thành quả y học tiên tiến, hiện đại. Và là người chỉ đạo thành công ca mổ song sinh Việt - Đức với 70 chuyên gia đầu ngành tham gia… Viện Tim là kết quả của sự hợp tác với Hiệp hội Alain Carpentier của Pháp, hoạt động từ năm 1992, tự cân đối thu chi, không nhằm mục đích lợi nhuận. Sau hơn 20 năm thành lập, Viện Tim đã có trên 22.000 ca mổ tim, trong đó có 1/3 là cho người nghèo. Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có nhiều lượt sinh viên ra trường từ lứa đầu của Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế vào năm 1995… Đội ngũ y bác sĩ thành phố ngày càng hùng hậu, giỏi giang như ngày nay có sự chăm lo của một người có tầm nhìn, trách nhiệm và tấm lòng của TS Dương Quang Trung.
Với những cống hiến lớn, chú Tư đã nhận được những phần thưởng lớn: Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, Thầy thuốc nhân dân, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng… Cùng với sự kính trọng, yêu quý không chỉ giới thầy thuốc mà còn ở rất nhiều người từ lãnh đạo cho đến những người dân bình thường, nghèo khổ, bệnh tật. Không chỉ được tôn vinh trong nước mà còn ở nước ngoài, chú Tư cũng được Pháp công nhận là Viện sĩ Viện Hàn lâm phẫu thuật Pháp. Ở đâu có chú Tư là có nụ cười - một nụ cười hiền hòa, bình dị, có thể làm ấm lòng người. Nhớ chú Tư là nhớ đến một con người điềm đạm, chân chất, một nhân cách có sức quy tụ, một trí thức có khả năng kiến tạo, lấy sự cống hiến làm lẽ sống, một người con của vùng đất Nam bộ, của quê hương Cà Mau - nơi cuối trời Tổ quốc. Cho dù ở đâu, lúc sống ở quê hương những năm tháng còn là vùng quê nghèo hay giữa Paris “thủ đô của ánh sáng”, những năm chiến tranh bom đạn hay những thử thách khắc nghiệt của thời hòa bình, từng chứng chiến những giây phút hiểm nghèo cũng như niềm vui của người trở về từ cõi chết, người thầy thuốc ấy vẫn canh cánh tâm nguyện cứu người. Không bao giờ tự hài lòng, không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ kể công và đòi hỏi thiệt hơn. Vẫn thế và vẫn thế cho đến cuối đời. Có lúc, có việc chú Tư đã đi trước, làm trước, nhưng tất cả cũng vì lợi ích chung và cốt là để cứu người nên rồi cũng không sao. Nay chú đã về nơi cõi khác, để lại biết bao ân tình sâu nặng, sự cảm phục và mến thương. Thím Tư cùng những người con và những đứa cháu đáng yêu của chú Tư những ngày này sẽ rất buồn đau. Các cháu của chú - những đứa cháu mà theo cách nói vui của chú: đó chính là “thuốc an thần” của ông sẽ không còn được gặp ông nữa. Những cây hoa, con cá, con chim… trong ngôi nhà nhỏ từ nay sẽ vắng bàn tay chăm sóc của ông. Tất cả đều vắng ông trên cõi đời này.
Nhưng một cuộc đời thanh bạch, một người thầy thuốc với cái tên Dương Quang Trung luôn gắn bó với đất nước, quê hương, người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, đồng bào… thì vẫn như còn đây, và có lẽ sẽ còn lâu, rất lâu trong nỗi nhớ, niềm thương của nhiều người. Và hình ảnh ấy vẫn là một trong những tấm gương sống đẹp. Xin được kính tiễn chú, chú Tư ơi!
PHẠM PHƯƠNG THẢO
Ông Bụt ngành y đã về cõi vĩnh hằng!
Diện mạo của ngành y tế TPHCM có được ngày hôm nay có sự đóng góp quan trọng của Viện sĩ, Bác sĩ Dương Quang Trung. Từ năm 1975 - 1997, với cương vị Giám đốc Sở Y tế, ông đã xây dựng mạng lưới y tế TPHCM trên cơ sở chương trình 5 dứt điểm của Bộ Y tế, xây dựng mô hình Chăm sóc sức khỏe ban đầu, chỉ đạo chương trình Phòng khám trẻ em lành mạnh.
Nhờ những mối quan hệ đối ngoại tốt đẹp, ngay trong thời kỳ đầy dẫy khó khăn của đất nước ở những năm cuối của thập niên 1980, ông đã mạnh dạn gửi nhiều bác sĩ Việt Nam đi tu nghiệp ở Pháp và sau này ở nhiều quốc gia khác. Các bác sĩ này đã phát huy rất tốt vai trò của mình trong việc xây dựng và phát triển ngành lên tầm cao mới. Trong suy nghĩ của ông, khi đánh giá hay đề bạt cán bộ, ông không phân biệt xuất xứ và thành phần, không chỉ chú trọng về học hàm, học vị… Tất cả mọi người đều được ông quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để phát triển, miễn là chịu khó học hành và sẵn sàng phục vụ đất nước, nhân dân.
Với tầm nhìn sâu xa, ông đã tạo ra bước đột phá khi thành lập các trung tâm y tế chuyên sâu như Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu, Ngoại khoa, Mắt, Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt, Nhi, Phụ sản, Tâm thần, Bệnh Nhiệt đới, Lao, Da liễu… vào năm 1985, tạo cơ sở và điều kiện cho sự phát triển sâu rộng và bền vững của các chuyên khoa. Các trung tâm này hiện là các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của TPHCM cũng như của cả nước, đạt trình độ cao về chuyên môn, điều trị, phục vụ tốt người bệnh cũng như làm tròn công tác đào tạo giảng dạy, nghiên cứu khoa học… Ông đã xây dựng thành công một trung tâm y tế chuyên sâu khác là Viện Tim, hợp tác cùng Hiệp hội Carpentier, hoạt động tốt trên 15 năm nay, đặc biệt với cơ chế mới “tự quản và tự cân đối thu chi”. Một mốc son của ngành y tế Việt Nam là vào năm 1989, ông đã tổ chức và chỉ đạo mổ tách rời 2 cháu song sinh Việt - Đức 7 tuổi, dính liền nhau ở ngực và bụng. Thành công của ca mổ tạo tiếng vang lớn trên khắp thế giới. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi mới vài năm trước đây, ông được mời làm chủ hôn trong ngày cưới của Đức. Hạnh phúc của đôi trẻ làm ông thấy mình trẻ lại dù đã bước qua tuổi 80.
Năm 1989 ông đã vận động thành lập Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM (nay là Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch), đào tạo bác sĩ theo phương hướng “Giải quyết các vấn đề sức khỏe, hướng về cộng đồng” và thực hiện nền “y khoa dựa trên chứng cứ”. Chương trình đào tạo theo tín chỉ và học phần, lấy sinh viên làm trung tâm. Mô hình Trường-Viện-Cộng đồng đã được thực hiện một cách hiệu quả. Hàng ngàn bác sĩ và cán bộ y tế xuất thân từ ngôi trường này đã giải quyết phần lớn bài toán về cán bộ ngành y tế TPHCM trong công tác chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và điều trị bệnh cho bệnh nhân.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Khoa học Công nghệ Sở Y tế, Ủy viên Hội đồng Khoa học Công nghệ TPHCM, ông đã tham gia chủ trì các công trình nghiên cứu có giá trị cao, trong đó có nhiều đề tài ngang tầm thế giới. Với vai trò Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Pháp, ông đã có nhiều hoạt động nhằm củng cố, phát triển mối quan hệ hợp tác của 2 nước trên mọi bình diện văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật…
Khi đã nghỉ hưu, ông được tín nhiệm cao vào chức vụ Chủ tịch Hội Y học TPHCM. Trên cương vị mới, dù tuổi đời ngày càng cao nhưng ông vẫn góp sức cho các hội chuyên khoa phát triển về tổ chức, chuyên môn cũng như y đức. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến “nghĩa vụ luận (hay nghĩa vụ luật) ngành y” nhằm tạo điều kiện cho việc chăm sóc, điều trị người bệnh đạt ở mức tốt nhất cũng như tạo được hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ ngành. Dưới sự lãnh đạo của ông, hàng năm các hội chuyên khoa thành phố đã phát triển không ngừng số hội viên, tổ chức rất nhiều đợt tập huấn nâng cao tay nghề cũng như các hội nghị khoa học trong nước, đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế, góp phần mình trong việc nâng cao uy tín của ngành y tế Việt Nam.
Có thể nói, ông làm việc không mệt mỏi. Ông như cánh chim bằng luôn bay cao và bay xa, mang lại cho đời biết bao niềm ước vọng! Ông là người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Ông không nề hà bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ, miễn là có ích cho người, hữu dụng cho đời. Mọi người luôn gặp ở ông nụ cười tươi hiền hòa, ánh mắt dịu dàng đôn hậu, luôn chú ý lắng nghe và đặc biệt luôn lạc quan, tươi trẻ. Ông sống giản dị, chân tình. Làm việc với ông, mọi người đều cảm thấy gần gũi, hầu như không có khoảng cách về tuổi tác, chức vụ, kinh nghiệm và vốn sống. Ông như ông Bụt của ngành y, luôn mang đến niềm tin vui, niềm lạc quan yêu đời và hạnh phúc cho mọi người!
Chú Tư không còn nữa! Ông Bụt của ngành y đã về cõi vĩnh hằng! Nhưng những ý tưởng, ước mơ hoài bão và tấm lòng của ông sẽ mãi mãi được phát huy và tồn tại để góp phần xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân cũng như mang lại cuộc sống ấm no, dồi dào sức khỏe cho mọi người.
>>Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân Dương Quang Trung từ trần
BS LÊ CHÍ DŨNG (Thầy thuốc Nhân dân)