Thưởng tết: Gắng bằng năm ngoái

Thưởng tết: Gắng bằng năm ngoái

Tính đến ngày 6-1, phần lớn LĐLĐ các quận huyện và công đoàn các tổng công ty trên địa bàn TPHCM đã có báo cáo chi tiết về kế hoạch trả lương, thưởng tết cho người lao động (NLĐ) của các đơn vị. Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, đặc biệt là những DN thuộc ngành nghề thâm dụng lao động như giày da, may mặc phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa, vẫn cố gắng trả thưởng để NLĐ có tết.

Kỷ lục thưởng tết 6 triệu đồng/công nhân may

Thưởng tết: Gắng bằng năm ngoái ảnh 1

Công nhân Tổng Công ty Phong Phú quyết tâm cùng DN vượt khó. Ảnh: MAI HƯƠNG

Đặt trong bối cảnh các DN dệt may, da giày đang gặp rất nhiều khó khăn, có mức thưởng Tết Kỷ Sửu bình quân thấp (trên dưới 900.000 đồng/người) thì mức thưởng ở Tổng công ty Dệt Phong Phú thật sự ấn tượng: bình quân 6 triệu đồng/NLĐ bất kể vị trí, cấp bậc và thâm niên.

Chị Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch công đoàn tổng công ty, cho biết: “Tết năm ngoái, DN thưởng tết 7 triệu đồng/NLĐ.

Năm nay, dù tình hình khó khăn hơn rất nhiều nhưng DN vẫn cố gắng thưởng tết xấp xỉ năm ngoái. Đây thực sự là cố gắng rất lớn của lãnh đạo tổng công ty vì nếu chỉ đơn thuần lấy lợi nhuận thu được từ kinh doanh dệt may để thưởng thì có lẽ chỉ thưởng 3-4 triệu đồng/người.

Nhờ cân đối từ các nguồn khác nên mức thưởng mới được tăng lên. Ngoài ra, còn hỗ trợ 3 triệu đồng/NLĐ để mua cổ phiếu ưu đãi khi cổ phần hóa tổng công ty. Nhiều năm liên tiếp, Tổng Công ty Phong Phú luôn có mức thưởng tết cao: Năm 2004, thưởng 4 triệu đồng/người, năm 2005 tăng lên 4,5 triệu đồng/người, năm 2006: 5 triệu đồng/người và năm 2007: 7 triệu đồng/người.

Trên bình diện chung về mức thưởng, DN nhà nước có mức thưởng bình quân 3- 5 triệu đồng/người. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/NLĐ. Những công ty tư nhân có vốn trong nước thưởng tết thấp hơn: phổ biến ở mức 1,2 - 3 triệu đồng/người. Cá biệt cũng có một số công ty thưởng cao như Thép Việt (cao nhất 25 triệu đồng, thấp nhất 8 triệu đồng), Đức Phát (cao nhất 15 triệu đồng).

Cho đến thời điểm này, số đơn vị có báo cáo kế hoạch trả lương, thưởng chiếm tỉ lệ khá cao. Theo báo cáo của LĐLĐ quận Tân Bình, có 100% DN cam kết trả đủ lương tháng 12-2008. Tháng 1-2009, đa số đơn vị giải quyết cho NLĐ tạm ứng 50%-80% tiền lương.

Quận 1 có 156/156 đơn vị có kế hoạch thưởng tết. Công đoàn Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn cho biết 100% CNVC-LĐ sẽ có thưởng (trong số 3.508 người được thưởng, có 220 người được hưởng mức thưởng cao nhất: 11,2 triệu đồng). Huyện Củ Chi có 57/67 đơn vị, quận 2 có 136/179 đơn vị, quận 12 có 151/273 đơn vị xây dựng quy chế trả thưởng.

Khó khăn vẫn cố gắng thưởng tết

Hiện tại, nhiều DN do thiếu đơn hàng sản xuất đã cho NLĐ nghỉ lai rai từ nay đến qua tết. Đơn cử như DNTN dệt Thành Tiến (quận Tân Bình) đã phải giảm bớt công việc và cho NLĐ nghỉ tết sớm từ tháng 12-2008. Tuy vậy, DN vẫn trả đủ lương và hỗ trợ tiền tàu, xe 300.000 đồng/NLĐ.

Thưởng tết: Gắng bằng năm ngoái ảnh 2
Năm nay, công nhân Tổng Công ty Phong Phú được thưởng Tết bình quân 6 triệu đồng/ người. Ảnh Đức Thành

Tương tự, Công ty Natural Choice (chuyên sản xuất đồ gốm, sứ xuất khẩu xã Trung An, huyện Củ Chi) có hơn 1.600 lao động hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Trưởng ban Thi đua Chính sách LĐLĐ huyện Củ Chi Phạm Tuấn Thanh cho biết: Hơn 11 năm qua, Natural Choice là một công ty luôn đảm bảo thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động, đặc biệt còn hỗ trợ phân nửa tiền công đoàn phí cho NLĐ.

Tuy nhiên năm nay, do không có đơn hàng, công ty phải cho NLĐ nghỉ tết sớm vào ngày 17-1. Qua tết, nếu vẫn không có thêm hợp đồng thì công ty buộc phải cắt giảm NLĐ. Tuy nhiên, ban giám đốc công ty cam kết vẫn đảm bảo trả đủ lương tháng 12-2008, lương tháng 1-2009, và tiền thưởng tết bằng 1 tháng lương cho toàn bộ NLĐ.

Còn Công ty cổ phần Nam Á (sản xuất da giày, trực thuộc Tổng công ty Bến Thành) dù năm 2008 làm ăn thua lỗ vẫn quyết định thưởng tết bằng 1 tháng lương cho NLĐ. Khó khăn hơn, Công ty Sản xuất hàng xuất nhập khẩu Tân Bình, do thua lỗ, phải ngừng sản xuất một xí nghiệp khiến 636 NLĐ mất việc.

Liền sau đó, sau khi làm việc với Công đoàn Tổng công ty Bến Thành, chủ DN đã đồng ý chi tiền lương tháng 13 và giải quyết chế độ chính sách cho NLĐ. Đối với trường hợp 10 NLĐ nữ có thai, DN tiếp tục mua BHXH để NLĐ được hưởng chế độ bảo hiểm khi sinh nở. Đặc biệt, công đoàn cơ sở đã liên hệ với 2 xí nghiệp may và giới thiệu việc làm mới cho toàn bộ NLĐ mất việc.

Ngoài việc thưởng tết, một số DN trên địa bàn quận Tân Bình còn hỗ trợ 50%-100% chi phí tàu xe đi về cho NLĐ như Tân Hoàng Gia, Quốc Hải, Nguyên Tâm, Nguyên Dung, Nghiệp Phú, Phúc Yên, Kim Bửu, Tân Minh, Thành Tiến… Tại huyện Củ Chi, có DN còn thưởng Tết Dương lịch (100.000 đồng/NLĐ) như Tân Hùng Ngọc. Ngoài thưởng tết, Phú Hưng còn tặng mỗi NLĐ 1 thùng bia, 1 thùng nước ngọt. Công ty Sam Hô, Quảng Việt, Kim Thành tặng mỗi NLĐ một phần quà trị giá 50.000-80.000 đồng. Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 12 Nguyễn Văn Xem cho biết LĐLĐ quận đã có kế hoạch tổ chức đón giao thừa cho khoảng 500 NLĐ không có điều kiện về quê, vào đêm 29 tết. Ngoài phần hỗ trợ của LĐLĐ TP, quận 12 sẽ tặng 300 phần quà tết, mỗi phần 100.000 đồng cho NLĐ nghèo ở các tổ tự quản. 

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục