Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động, kinh tế đất nước có bước phát triển mới cả về quy mô, trình độ lực lượng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, tăng quy mô cung – cầu của nền kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu. Chất lượng sản phẩm hàng hóa của Việt Nam ngày một cao hơn. Nhiều sản phẩm đã có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa, được người tiêu dùng yêu thích, mua sắm, sử dụng; một số sản phẩm tạo được uy tín trên thị trường quốc tế...
Hiện nay, hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%). Nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, thực sự chinh phục được người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tới một số nước trên thế giới.
Tuy nhiên, một tồn tại nổi lên hiện nay là công tác đấu tranh, chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, có lúc, có nơi chưa kiên quyết, triệt để, thậm trí có doanh nghiệp đã lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi.
Nhiều doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng; chưa mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến, chưa dành nguồn lực thích đáng cho quảng bá hàng hóa, dịch vụ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết, cách đây 10 năm, vào tháng 7-2009, Bộ Chính trị phát động cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và giao cho Đảng Đoàn Mặt trận Tổ quốc chủ trì phối hợp các bộ, ban ngành tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động trong toàn xã hội.
Cuộc vận động nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Qua 10 năm, cuộc vận động đạt nhiều kết quả. Nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm thị phần khá lớn trong thị trường phân phối. Đặc biệt, người tiêu dùng trong nước đã có thái độ tích cực, ủng hộ, niềm tin ngày càng cao về hàng hóa do người Việt Nam sản xuất.
Qua điều tra xã hội học đã cho thấy những con số ấn tượng, ví dụ người tiêu dùng xác định mua hàng thì sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã có chuyển biến đáng kể: năm 2010 là 59%; 2014 là 63%; 2019 là 67%.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư ghi nhận, đánh giá cao Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp đã tích cực, chủ động quán triệt, triển khai thực hiện có kết quả thiết thực cuộc vận động.
Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng cho rằng, công tác quản lý nhà nước của một số cơ quan chức năng còn thiếu chặt chẽ; việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chưa thường xuyên. Một số mặt hàng Việt Nam chưa thực sự thu hút người tiêu dùng về mẫu mã, chất lượng, độ an toàn và giá cả. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn diễn ra ở nhiều nơi. Đây là vấn đề rất nhức nhối, ảnh hưởng uy tín của hàng Việt, đánh vào sản xuất của người Việt Nam.
“Không thể nói thực phẩm chức năng sản xuất từ than củi. Ở đây có trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy, các ngành quản lý ở cơ sở. Tất cả mọi việc diễn ra tại cơ sở. Người ta sản xuất mấy năm liền, tại địa bàn dân cư như thế mà không biết được là sao? Phải quản lý từ cơ sở, đây là bài học ông cha để lại”, đồng chí Trần Quốc Vượng nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, vai trò các hiệp hội, ngành nghề trong thực hiện cuộc vận động chưa cao. Một số chương trình quảng cáo hàng Việt trên báo chí chưa bảo đảm định hướng.
Thường trực Ban Bí thư cũng nhắc đến việc có những bài báo, do nguyên nhân khác nhau “đánh thẳng vào mặt hàng truyền thống của người Việt” và yêu cầu không được để tái diễn.
Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, trong thời gian tới, hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu. Cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước ngày càng phức tạp hơn, nhất là khi thực hiện theo các thoả thuận, hiệp định đa phương, song phương ký kết. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tạo sức ép tranh lớn về sản xuất, thương mại. Người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn, yêu cầu cao hơn đối với hàng hóa Việt về quy chuẩn, chất lượng.
Vì thế, cuộc vận động cần phải tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo và thiết thực hơn nữa. Cuộc vận động thực sự là vấn đề chiếm lĩnh thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa Việt. Đây chính là thúc đẩy sản xuất chứ không phải phong trào bình thường. Các cấp ủy, chính quyền địa phải thấy được cái này.
Trong thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh, vận động tiêu dùng trong các tầng lớp nhân dân; người Việt dùng hàng Việt là nâng cao văn hóa lòng yêu nước, là nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng. Mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều có ý thức, trách nhiệm và hành động thiết thực tham gia cuộc vận động để phần phát triển kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; đề cao, phát huy ý thức tự lực, tự cường, tự tin dân tộc của người Việt Nam ta.
Phấn đấu hàng hóa Việt Nam phải bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường, an toàn, chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước và thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Song song đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Quan tâm khuyến khích thị trường trong nước phát triển lành mạnh, tăng cơ hội để người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt Nam.
“Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân của chúng ta rất lớn, nên khâu bán lẻ phải hết sức chú ý. Chúng tôi nhiều lúc thấy thông tin rất giật mình là hầu như các thương hiệu, siêu thị lớn trong nước đều người nước ngoài thôn tính. Dĩ nhiên hội nhập quốc tế, nhưng làm sao người Việt Nam phải chiếm lĩnh thị trường bán lẻ”, đồng chí Trần Quốc Vượng nêu.
Cùng với đó, cần phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, phát hiện, tố giác hành vi làm hàng giả, hàng kém chất lượng.
Dịp này, hội nghị đã biểu dương 82 tập thể và 147 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 10 năm qua.