Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên - Tiếng lòng tiếc thương còn mãi

Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên - Tiếng lòng tiếc thương còn mãi

Đối với cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, những ai dù chỉ một lần gặp Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên đều không thể quên hình ảnh một người chỉ huy mẫu mực, một vị tướng có tác phong sâu sát thực tiễn, hết lòng với công việc, luôn gắn bó, thương yêu cấp dưới, đồng cam cộng khổ với bộ đội, với nhân dân.

Trưởng thành từ người chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến khi giữ trọng trách Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước từ núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên đến quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc.

Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên (trái) thăm hỏi, tặng quà cán bộ chiến sĩ xây dựng đường tuần tra biên giới tại Lạng Sơn.

Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên (trái) thăm hỏi, tặng quà cán bộ chiến sĩ xây dựng đường tuần tra biên giới tại Lạng Sơn.

1. Tuổi thơ Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên gắn liền với gia đình, với những người dân quê lam lũ nhưng giàu truyền thống cách mạng và thấm đượm tình làng, nghĩa xóm in đậm trong ký ức của đồng chí để rồi hun đúc, tôi luyện hình thành nên một cốt cách, một bản lĩnh và trí tuệ của vị tướng Nguyễn Khắc Nghiên sau này.

Mùa hè năm 1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, như bao thanh niên cùng trang lứa với khát vọng sục sôi được góp phần nhỏ bé của mình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mặc dù còn đang ngồi trên ghế nhà trường đồng chí đã tình nguyện nhập ngũ. Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 305 Đặc công là nơi khởi đầu cho cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên.

Tháng ngày miệt mài trên thao trường, bãi tập đã hun đúc cho chàng trai trẻ Nguyễn Khắc Nghiên trở thành người lính thực thụ với những tiến bộ vượt bậc trong học tập và chiến đấu. Đó là hành trang để đồng chí cùng với đồng đội bước vào cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù.

Mặt trận B5 Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế những năm 1970 - 1972 là một trong những chiến trường ác liệt, gian khổ nhất. Mảnh đất nhỏ bé này là nơi diễn ra cuộc đối đầu giữa bộ máy chiến tranh khổng lồ của Hoa Kỳ với sức mạnh của ý chí và trí tuệ Việt Nam. Hòa mình vào cuộc chiến đấu chung ấy, đồng chí Nguyễn Khắc Nghiên đã nhanh chóng trưởng thành.

Từ một chiến sĩ tiểu đội trưởng tới cương vị đại đội trưởng và các cương vị cao hơn trong đội hình Trung đoàn 48, Sư đoàn 390 đều được bắt đầu từ sự chắt lọc tinh túy qua trải nghiệm thực tế chiến đấu. Một người chỉ huy luôn bám sát đơn vị, bám sát trận địa, dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu, sáng tạo trong cách đánh, trong chỉ huy bộ đội là những phẩm chất nổi bật của anh, đặc biệt trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 312 (người chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Khắc Nghiên tại chiến trường Quảng Trị) còn nhớ mãi lần gặp đầu tiên với Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên khi đó là một cậu trung sĩ trẻ măng.

Đại tá Trần Ngọc Long kể: Hồi đó anh Nghiên vừa tròn 20 tuổi, to cao, đẹp trai, vẻ mặt luôn tươi tắn, đĩnh đạc, nhất là khi chỉ huy tập đội ngũ, giọng điệu hô dứt khoát, rành rõ, đúng kiểu nhà binh. Đặc biệt, anh còn là người viết, vẽ rất đẹp, vì thế cấp trên đã quyết định chuyển trung sĩ Nguyễn Khắc Nghiên từ trung đội phó lên giữ chức Trợ lý tác chiến của Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 46 (nay là Trung đoàn 48). Đầu tháng 3-1972, toàn trung đoàn hành quân vào chiến trường Quảng Trị, anh xin cấp trên xuống đơn vị để được trực tiếp chiến đấu.

Trong giai đoạn tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, Trung đội trưởng Nguyễn Khắc Nghiên đã chỉ huy đơn vị tham gia tiến công tiêu diệt chi khu Cam Lộ; tiếp đến tiến công địch trên đồi Tân Vĩnh phía Bắc căn cứ Ái Tử. Sau đó, anh cùng trung đoàn tiến quân vào chiến đấu tại Hồ Lầy, Cây Lội phía Tây Bắc Thừa Thiên - Huế. Chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công xuất sắc, trung sĩ Nguyễn Khắc Nghiên đã được kết nạp vào Đảng ngay đợt đầu trong chiến trường, cuối tháng 4-1972.

2. Tôi không bao giờ quên trận đánh của Tiểu đoàn 1 đã chặn đứng tiến công và tiêu diệt Tiểu đoàn 8 thủy quân lục chiến ngụy tại Trâm Lý - Quy Thiện vào ngày 8-7-1972. Trước đó 2 ngày, được biết địch sẽ tập trung tiến đánh từ Trâm Lý sang Quy Thiện để chiếm nhà thờ Tri Bưu. Tôi và các đại đội trưởng đi chuẩn bị bố phòng và quyết định cách đánh với thế trận: chốt chặn kết hợp với tiến công, bởi địa thế ở đây buộc địch sẽ phải tiến qua cánh đồng rộng lớn giữa 2 thôn.

Đại đội trưởng Nguyễn Khắc Nghiên đã đề nghị được đảm trách khu vực đánh vào sườn đội hình địch. Anh nói: “Đề nghị toàn tiểu đoàn phải giữ bí mật hành động của bộ đội nhằm lừa địch chủ quan như đi vào chỗ trống, khi thời cơ thuận lợi nhất, ta bất ngờ đánh dồn dập”.

Thực tế đã diễn ra đúng như dự kiến, trong trận này, Tiểu đoàn 8 thủy quân lục chiến ngụy đã bị đánh thiệt hại nặng, 163 tên bị tiêu diệt, buộc phải lui về phía sau củng cố. Trong khi đó toàn Tiểu đoàn 1 chỉ có một chiến sĩ bị thương nhẹ. Phải chăng ý chí chiến đấu cao, tính kiên cường trong phòng ngự của anh đã hình thành bước đầu về tư duy quân sự, tư duy của người chỉ huy để rồi từ đó qua từng cương vị ngày càng cao trong quân ngũ đã hun đúc nên một Thượng tướng - Tổng Tham mưu trưởng như anh bây giờ.

Trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị, Tiểu đoàn 1 chúng tôi có hơn 10 đồng chí là cán bộ đại đội đã hy sinh, bị thương phải rời khỏi vị trí chiến đấu. Duy nhất có Nghiên dù bị thương vẫn kiên quyết không rời trận địa cho đến ngày cuối cùng 16-9-1972 mới rút khỏi Thành cổ Quảng Trị theo lệnh của cấp trên.

Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Khắc Nghiên được cử đi học ở các học viện, nhà trường quân đội rồi lần lượt giữ các chức vụ: Trung đoàn trưởng, phó sư đoàn trưởng rồi tới sư đoàn trưởng các sư đoàn 390 và 312, Binh đoàn Quyết Thắng... Trên cương vị mới, kinh nghiệm thực tế những năm tháng chiến đấu ở chiến trường kết hợp kiến thức được trang bị ở nhà trường cùng với tác phong sâu sát, cụ thể, tận tụy với công việc đã giúp đồng chí có cách tiếp cận mới, cách làm mới trong huấn luyện, rèn luyện bộ đội, trong xây dựng quân đội chính quy.

3. Tháng 12-2004, đồng chí Nguyễn Khắc Nghiên được giao đảm nhiệm cương vị Phó Tổng tham mưu trưởng, rồi Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Đây là thời điểm tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của quân đội có sự bổ sung, phát triển với yêu cầu mỗi ngày thêm cao hơn.

Trong bối cảnh đó, trên cương vị Tổng tham mưu trưởng, bằng khả năng sáng tạo và bản lĩnh được tôi luyện qua thử thách, đồng chí Nguyễn Khắc Nghiên đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã có nhiều năm gắn bó với đồng chí Nguyễn Khắc Nghiên bày tỏ: Với tầm nhìn chiến lược của mình, đồng chí Nghiên luôn trăn trở với suy nghĩ - làm sao bồi dưỡng, xây dựng cho được đội ngũ cán bộ chỉ huy, tham mưu toàn quân có phẩm chất, năng lực ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng cơ quan Bộ Tổng tham mưu đủ sức hoàn thành tốt chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng về những vấn đề cơ bản trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, đồng chí đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu phát triển khoa học quân sự, nhất là nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, kinh nghiệm và nghệ thuật quân sự trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Ông trời thật bất công. Sao nỡ để một cán bộ vừa có tâm vừa có tầm như Thượng tướng Nguyễn Khắc Nghiên phải ra đi đường đột thế. Anh Nghiên ơi! Anh ra đi, bao công việc, bao dự định còn dang dở. Nhưng anh hãy yên lòng nơi chín suối, bởi đồng chí, đồng đội, người thân sẽ tiếp tục thực hiện những ước nguyện của anh. Không còn thấy bóng hình anh trên cõi đời này, nhưng tiếng lòng đau xót, tiếc thương anh của gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng đội còn mãi với thời gian.

Mai Thu Anh

Tin cùng chuyên mục