
Thụy Điển là quốc gia có tỷ lệ người lao động vắng mặt với lý do nghỉ ốm cao nhất Liên minh châu Âu (EU), khoảng 2,9% so với mức trung bình của EU là 1,6%. Thụy Điển có khoảng 4,34 triệu người lao động, trong đó 65% làm việc trong lĩnh vực tư nhân.
Theo Sisko Bergendorff, người phát ngôn của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Thụy Điển, nhờ tăng trưởng kinh tế cao, số người thất nghiệp ở Thụy Điển rất ít và số công nhân viên trên 55 tuổi chiếm tỷ lệ lớn. Trong khi đó, hệ thống bảo hiểm ốm đau chi trả rất hào phóng và người lao động có thể nghỉ trong thời gian dài. Khoản trợ cấp ốm đau có thể bằng 80% lương (mức lương trung bình 3.215 USD/tháng).
Không lo thất nghiệp, lại được nhận những khoản trợ cấp hậu hĩnh, nhiều người lao động Thụy Điển không ngần ngại xin... nghỉ ốm, nhiều tới mức Chính phủ Thụy Điển đang tìm cách thắt chặt quy định để người lao động khỏi lạm dụng.

Giờ tập thể dục của người lao động tại Công ty Scania, chuyên sản xuất xe tải nặng
Nhiều tập đoàn đa quốc gia ở Thụy Điển như Scania, Ericsson, Volvo và các công ty ở những lĩnh vực mới như tư vấn và công nghệ tin học cũng phải tìm giải pháp thu hút nhân viên, làm họ thấy “hạnh phúc” ở nơi làm việc.
Một số công ty trang bị máy massage tại văn phòng để giúp nhân viên trị đau lưng, đau vai, một số công ty khác lại tạo điều kiện để nhân viên tập thể dụng, tặng bữa ăn sáng và trái cây miễn phí ở nơi làm việc.
Theo giải thích của Giáo sư Tâm lý Magnus Verke thuộc Trường Đại học Stockholm, khi người lao động cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện hơn với điều kiện lao động, họ sẽ cảm thấy khỏe mạnh, thoải mái và sẽ ít xin nghỉ phép, đồng thời làm việc hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất thúc đẩy các công ty tạo điều kiện vật chất và tinh thần tốt hơn cho nhân viên. Một yếu tố quan trọng khác là họ muốn nhận được các những khoản cắt giảm thuế quan trọng mà Chính phủ Thụy Điển dành cho các công ty có những biện pháp nhằm giúp nhân viên giữ gìn sức khỏe. Mục đích của chính phủ là giảm số người tới các trung tâm chăm sóc y tế công.
HÀ VY (theo AFP)