Tịch thu tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng

Đó là ý kiến của cử tri các quận 1, 3 và 4 mới đây trong cuộc tiếp xúc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về những trường hợp bị phát hiện thiếu trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập. 
ảnh minh họa
ảnh minh họa
Trong thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kết luận những sai phạm của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, có nội dung kết luận liên quan đến khối tài sản khổng lồ được cho là có dấu hiệu của sự bất minh, chưa làm rõ nguồn gốc do đâu mà có. Cụ thể, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu: Trong thời gian dài, bà Thoa đã nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm…
Để làm rõ vụ việc trên không khó, bởi quy định trong kê khai tài sản, thu nhập hàng năm của cán bộ, công chức đều có mục tăng thêm giá trị từ 50 triệu đồng trở lên. Theo quy định, những phát sinh về tài sản, thu nhập tăng thêm trong kỳ kê khai đều phải nói rõ nguồn gốc do đâu mà có (lần kê khai đầu tiên thì không cần nói rõ nguồn gốc tài sản, thu nhập). Quy định chặt chẽ này trong luật đã khiến nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, có nhiều tài sản không phải từ lương, thu nhập chính đáng mà có, đã kê khai không đúng, không đủ giá trị và nguồn gốc tài sản. Chỉ khi “có vấn đề” và qua kiểm tra, thanh tra mới phát hiện được sự thiếu minh bạch này. Trên thực tế, hành vi kê khai thiếu trung thực tài sản, thu nhập như trường hợp của bà Hồ Thị Kim Thoa không hiếm. 
Khoản 2, Điều 25 Nghị định 78/2013 về minh bạch tài sản, thu nhập, nêu rõ: “Nội dung kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập phải nêu rõ sự phù hợp hay không phù hợp giữa bản kê khai và kết quả xác minh. Trường hợp có sự không phù hợp giữa kết quả xác minh và bản kê khai thì kết luận không trung thực và nêu rõ sự sai lệch về số lượng tài sản, thu nhập, thông tin mô tả về tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập, nguồn gốc tài sản tăng thêm…”.
Việc xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực, theo quy định của nghị định này, đối với cán bộ thì áp dụng một trong 4 hình thức và mức cao nhất là bãi nhiệm. Quy định này, theo người dân là quá nhẹ, không mang tính răn đe và không làm cho những đối tượng sai phạm biết sợ mà không dám tham nhũng, tiêu cực. Điển hình là vụ một số quan chức lãnh đạo cấp sở ngành của tỉnh Yên Bái sở hữu khối tài sản “khủng”, đã không nói rõ được nguồn gốc do đâu mà có. Dù chưa có kết luận kiểm tra vụ việc này, nhưng chắc chắn một điều là đã có sự chênh lệch khá lớn giá trị tài sản, thu nhập giữa kê khai và thực tế. Và nếu bị xử lý kỷ luật, các cán bộ trên của tỉnh Yên Bái cao lắm cũng chỉ ở mức bãi nhiệm.
Từ thực tế trên, trong cuộc tiếp xúc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang với cử tri các quận 1, 3 và 4 mới đây, nhiều ý kiến kiến nghị Chính phủ cần xem xét điều chỉnh lại một số quy định của Nghị định 78, theo hướng những trường hợp bị phát hiện thiếu trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập, nếu không giải trình, làm rõ được nguồn gốc giá trị tăng thêm thì phải bị thu hồi tài sản, thậm chí có thể bị xem xét, xử lý hình sự. Biện pháp này sẽ góp phần răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và làm cho cán bộ biết sợ, không dám tham nhũng.

Tin cùng chuyên mục