Tiêm mũi 3, mũi 4 vaccine Covid-19 để tránh biến thể mới

Để làm rõ hơn vai trò của vaccine - “vũ khí” chiến lược trong phòng, chống dịch, ngày 1-7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19 trong bối cảnh hiện nay”?
Tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cần tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều

Hiện nay, biến thể BA.4, BA.5 có khả năng làm gia tăng số người lây nhiễm cần nhập viện điều trị hoặc tử vong. Điều này sẽ gây áp lực cho nền y tế của từng quốc gia cũng như toàn cầu nói chung. Thông tin về điều này, TS Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết, những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến thể, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5. TS Socorro Escalante cũng nhấn mạnh, khi còn thể virus lưu hành thì có nhiều khả năng biến thể mới sẽ xuất hiện, do đó việc tiêm vaccine rất quan trọng, nhất là những người chưa được tiêm, chưa tiêm đủ liều, những người cao tuổi. Chính quyền cần có giải pháp để đưa vaccine đến những địa bàn có nguy cơ cao, để bảo vệ từng gia đình, bảo vệ cộng đồng. 

Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2, từ 10%-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Ở Việt Nam, đến nay, sau 4-6 tháng, nhiều người đã tiêm hết các mũi cơ bản.

Như vậy, miễn dịch đối với những người này đã giảm, người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm hơn nữa. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập. Cùng với đó, cần thiết phải tiêm cho cán bộ y tế tuyến đầu - những người có nguy cơ cao. “Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh lây lan cho những người có nguy cơ cao như những người trên 50 tuổi, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng. Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng”, ông Phan Trọng Lân nhấn mạnh. 

PGS-TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, biến thể BA.4, BA.5 đã lan nhanh trên toàn cầu với 6 khu vực WHO đang giám sát. Trong tuần qua, biến thể BA.4, BA.5 chiếm đến 55% trong tổng số mẫu toàn cầu. Đây là một vấn đề đáng lo ngại. Do đó, phải lưu ý đến tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh nặng liên quan đến nhóm người già và nhóm có yếu tố nguy cơ bệnh nền. “Nếu biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh sang cộng đồng, trẻ em có nguy cơ lây lan và mắc bệnh nặng nhiều, đồng thời là nguồn lây sang cho người già, người lớn vì trẻ em thường đeo khẩu trang, khử khuẩn kém hơn so với người lớn”, ông Trần Minh Điển lưu ý.

Miễn dịch của người đã mắc Covid-19 có tiêm vaccine cao hơn, lâu hơn

Hiện tại, Bộ Y tế đang tiếp tục khuyến cáo cho nhóm trẻ từ 12-17 tuổi đi tiêm mũi 3 và nhóm trẻ từ 5-11 tuổi đi tiêm mũi 1 và 2. Đây là một trong những vấn đề cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng. “Nhiều phụ huynh hỏi con đã mắc Covid-19 rồi thì có nên đi tiêm hay không? Có miễn dịch rồi thì có tiêm hay không? Biến thể trong giai đoạn trước khác với biến thể trong giai đoạn này như nào...? Chúng ta hoàn toàn có thể mắc trở lại nếu không bổ sung kháng thể cho con của mình”, ông Trần Minh Điển nêu. Việt Nam đã qua đỉnh dịch 3-4 tháng, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện. Xã hội trở lại bình thường, nhất là du lịch hè, do đó người dân, trong đó có trẻ em, rất dễ mắc trong tình hình hiện nay.

Theo GS-TS Phan Trọng Lân, chúng ta mở cửa nhưng vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đương nhiên phải chuẩn bị cả những tình huống xấu nhất trong dự báo, đó là vaccine không còn hiệu quả đối với những biến thể mới, lây lan nhanh và nặng, thậm chí kết hợp tất cả. “Bên cạnh các biện pháp và kinh nghiệm trong thời gian qua, thì biện pháp hành chính xã hội có thể cũng phải thiết lập để vì sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết”, GS-TS Phan Trọng Lân nêu quan điểm.

Ý kiến các chuyên gia đều cho rằng, khi mắc Covid-19 thì miễn dịch có tăng lên so với tiêm vaccine mũi 1, 2; tuy nhiên, đáp ứng của mỗi người khi mắc rất khác nhau. Đã có những báo cáo cho rằng, đối với người bị mắc mà tiêm mũi nhắc lại, tức là mũi 3, mũi 4, so với những người mắc mà không tiêm thì miễn dịch của người đã mắc có tiêm vaccine lâu dài hơn, cao hơn.

Tin cùng chuyên mục