
Tại cuộc hội thảo về nhà văn Nguyễn Quang Sáng (N.Q.S), tiến sĩ văn chương người Đức Frank Gerke là một trong những người tạo nên nhiều ấn tượng. Không chỉ ở cách sử dụng tiếng Việt cực tốt, mà quan trọng hơn là sự am hiểu khá nhiều về văn học Việt Nam của ông. Trò chuyện với phóng viên Báo SGGP, tiến sĩ Frank Gerke đã có những nhận xét riêng của mình về văn học Việt Nam hiện nay.
- Phóng viên: Ông có thể cho biết, ông biết đến đất nước Việt Nam như thế nào?
Tiến sĩ Frank Gerke giới thiệu bản in đầu của tác phẩm “Đất lửa” do ông vừa tìm được trong hàng sách cũ. Ảnh: T.V.
TS FRANK GERKE: Nếu nói lần đầu thì có lẽ là từ các bản tin chiến sự về cuộc chiến tranh Việt Nam được chiếu rất nhiều trên truyền hình Đức khi tôi còn bé. Lúc đó, bố tôi đã giải thích rất nhiều cho tôi về cuộc chiến này và tạo trong tôi những dấu ấn đặc biệt về đất nước Việt Nam.
Vào trung học, tôi bắt đầu quen với một số người Việt Nam và bắt đầu học tiếng Việt với họ. Đây cũng là quãng thời gian tôi biết đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua một băng nhạc của những người bạn Việt Nam. Vào đại học, trong số các chuyên ngành, tôi có chọn học Việt Nam học tại hai trường ĐH là Berlin và Born. Đến khi làm luận án tiến sĩ, tôi lại chọn đề tài so sánh văn học thời kỳ mở cửa, đổi mới của Trung Quốc và Việt Nam. Chính vì đề tài này mà tôi có dịp qua Việt Nam nghiên cứu và kể từ đó gắn liền với đất nước xinh đẹp này.
- Đề tài luận án tiến sĩ là so sánh văn học thời mở cửa, đổi mới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vậy theo ông giữa nền văn học hai nước có sự khác biệt gì chủ yếu trong thời kỳ này?
Có nhiều khác biệt, nhưng khác biệt lớn nhất có thể dễ nhận thấy là trong thời kỳ mở cửa, các nhà văn Trung Quốc chia làm nhiều khuynh hướng sáng tác, đôi khi trái ngược nhau. Trong khi tại Việt Nam, các nhà văn dù có đôi chỗ khác biệt nhưng cơ bản lại không có sự phân chia khuynh hướng rõ ràng. Điều này do đặc thù xã hội tạo ra, là một hiện tượng tất yếu.
- Theo nhận định riêng của ông, giai đoạn mở cửa, đổi mới có ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của nền văn học Việt Nam?
Thời kỳ mở cửa ở Việt Nam là giai đoạn có rất nhiều nhà văn trẻ xuất hiện với cách viết rất khác với các nhà văn thế hệ trước đó. Họ mang trong mình mong muốn khám phá những đề tài ít được nhắc đến trước đó bằng một cái nhìn khách quan. Ngoài ra, đây cũng là thời kỳ một số nhà văn thế hệ đi trước cũng bắt đầu thay đổi cách viết của mình với những đề tài khác nhau.
Ví dụ như nhà văn N.Q.S, từ một nhà văn chuyên về đề tài chiến tranh cách mạng bắt đầu chuyển sang những đề tài xã hội, ví dụ như trong tác phẩm Con mèo của Fujita. Tuy nhiên, theo tôi, văn học Việt Nam hiện nay dường như thiếu sự nối liền giữa hai thế hệ trên. Có lẽ đây là vấn đề thời gian bởi vì mãi gần đây, văn học Đức mới có sự kết nối như vậy.
- Nhắc đến nhà văn N.Q.S, tại sao ông lại chọn dịch tác phẩm “Đất lửa” qua tiếng Đức, một tác phẩm không phải là nổi tiếng nhất của nhà văn?
Tôi đã dịch nhiều tác phẩm của nhà văn N.Q.S như Quán rượu người câm, Con mèo của Fujita, Con ma da, Ảo tưởng…, nhưng đó chỉ là những truyện ngắn. Tôi quyết định sẽ dịch một truyện dài của ông. Và tôi chú ý đến Đất lửa, một tác phẩm tạo nên nhiều ý kiến trái ngược nhau khi ra đời. Ở tác phẩm này, tác giả đã miêu tả từ mâu thuẫn nội tâm của cả một ngôi làng, đến mâu thuẫn nội tâm của từng nhân vật.
Ví dụ như cô gái theo một phe, người yêu lại theo phe ngược lại, họ yêu nhau và làm thế nào để giải quyết cái bi kịch này là một vấn đề rất hay. Đó là một tác phẩm rất đáng dịch để người Đức hiểu hơn cuộc chiến tranh VN vốn không đơn giản như những bản tin chiến sự mà hai phe chia ra rành mạch như trên tivi. Đây cũng là một vấn đề hết sức thời sự trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới vẫn đang xảy ra chiến tranh. Đến nay, tôi đã dịch được 4 chương của tác phẩm “Đất lửa”.
- Ngoài văn học, hình như ông rất quan tâm đến âm nhạc, rất yêu thích nhạc sĩ Trịnh Công Sơn? Ông thích nhất nhà văn nào của Việt Nam?
Thực ra đây là một sự tình cờ, khi tôi lần đầu nghe các nhạc phẩm của anh Sơn, tôi không rành tiếng Việt và qua giai điệu tôi cứ nghĩ đó là những ca khúc vui tươi cho thiếu nhi. Thế nhưng, đến khi hiểu lời ca tôi lại bất ngờ vì tính khốc liệt của chúng. Sự phối hợp hoàn hảo cái mâu thuẫn giữa ca từ và giai điệu đã làm tôi chú ý đến người nhạc sĩ và tôi đã cố gắng tìm gặp nhạc sĩ khi qua Việt Nam. Đến nay, tôi hầu như đã thưởng thức hết toàn bộ các tác phẩm của anh Sơn, thích nhất là bài hát Một cõi đi về. Còn về văn học, tôi thích nhất là nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Tường Vy