Tiếng chào

Tiếng chào

(SGGP-TB).- Ngày còn nhỏ, đại gia đình tôi lúc ấy gồm có ông bà nội, cô chú, ba má… Mỗi bữa cơm chiều, ông bà nội thường ngồi đầu bàn, kế đến là ba tôi (con cả) rồi đến các cô chú theo thứ tự. Dĩ nhiên, người nhỏ nhất là tôi phải ngồi cuối chiếc bàn dài ấy và là người lên tiếng trước tiên.

Đầu tiên là mời ông bà nội ăn cơm. Sau đó, phải mời cô, chú trong gia đình ăn cơm. Cuối cùng khi ông nội nói “Cả nhà ăn cơm” thì lúc ấy mới bắt đầu ăn. Ngày nào cũng phải làm “thủ tục” như vậy, cho nên một thằng nhóc như tôi bỗng sợ những bữa cơm chiều. Còn bữa trưa thì không như thế, vì buổi trưa ai cũng lo việc đồng áng.

Khi đến trường, cô giáo dạy: Ra đường, các em phải lễ phép. Thấy ông già, bà lão phải vòng hai tay chào hỏi: “Con chào ông bà”. Chưa hết, cô còn dạy, bất kể khi nào gặp thầy, cô giáo phải vòng tay gật đầu chào. Đi học về đến nhà phải “Thưa ba má con mới đi học về”. Chính sách “đi thưa về trình” ngày đó sao mà nghiêm ngặt thế không biết!?

Còn chuyện về tới nhà phải thưa gia đình mới đi học về cũng vậy. Nhà đông người nhưng không được thưa đại khái, lấy lệ. Thưa từng người một! Đó cũng là một “cực hình” với tôi vào những ngày xưa ấy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

      * * *

Rồi gia đình tôi cũng ra ở riêng, không còn ở chung với ông bà nội. Các cô chú của tôi cũng vậy. Thế là những tiếng thưa ít dần đi. Mâm cơm chỉ còn lại thưa ba má ăn cơm, rất nhanh chóng. Nhưng thỉnh thoảng những dịp họp gia đình thì chuyện thưa mời như ngày nào vẫn phải thực hiện.

Thế mà những câu thưa thốt như thế dù muốn dù không đã là một phần của tôi. Khi lớn lên, đã đi làm tôi vẫn giữ nếp như vậy. Đi làm thì “Thưa ba má con đi làm”. Về thì “Thưa ba má con mới về”.

Cuộc sống ngày một bộn bề. Nhưng khi về đến nhà dường như lại được trở về với những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm. Tôi chợt nghĩ, không biết những người bạn chung lớp ngày nào có còn nhớ đến những bài học đó không. Hiện nay, ít còn cảnh những đứa trẻ phải ngồi vào bàn tử tế để mời người lớn ăn cơm. Thay vào đó, chúng đã là những cô công chúa, cậu hoàng tử trong nhà không chào hỏi lễ phép với cả cha mẹ.

Chiều nay đi làm về, tôi lại “Thưa má! Con mới đi làm về”. Bỗng giật mình nhận ra, lời mình vừa nói sao ấm áp, thân thương thế! Vậy mà ngày xưa, có một thời mình rất khó chịu khi phải thốt ra những lời đó vì mức độ “rườm rà” của nó…

BÌNH NGUYÊN (Tây Ninh)

Tin cùng chuyên mục