Sự kiện Siêu thị điện máy Wonderbuy tuyên bố phá sản do thua lỗ đến 52 tỷ đồng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho ngành bán lẻ điện máy. Vài năm trước đây là thời điểm “hot” nhất của ngành điện máy vì chất lượng hàng hóa chưa bị kiểm tra gắt gao. Nhiều nhà bán lẻ tự nhập khẩu hàng trôi nổi bán trà trộn cho khách, thu được lợi nhuận cao nên nhiều nơi mọc ra siêu thị, tưng bừng khuyến mãi.
Vì “ngon ăn” nên Wonderbuy mới dám bỏ tiền thuê mặt bằng mỗi tháng đến 2,5 tỷ đồng, khuyến mãi trả tiền lại cho khách sau vài năm sử dụng. Không ngờ, kinh tế rơi vào khủng hoảng, đối tượng tiêu dùng hàng “xa xỉ” cũng bị thu hẹp, khách hàng có nhu cầu thực sự cũng trở nên “kén cá, chọn canh”. Từ đó, hàng tồn kho nhiều, vốn thì vay với lãi suất cao, thậm chí ngân hàng không cho vay, doanh nghiệp nào không gồng gánh nổi buộc phải… phá sản.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành điện tử điện máy, sự kiện Wonderbuy là khởi đầu về nguy cơ phá sản hàng loạt trong ngành bán lẻ điện máy. Đây chính là thời điểm để các cửa hàng bán lẻ nhìn nhận, chấn chỉnh lại mình. Bởi kiểu kinh doanh chụp giựt, vừa bán hàng chính hãng để hưởng hoa hồng, vừa trà trộn hàng xách tay, hàng trôi nổi để lừa khách; kiểu bán hàng giảm giá nhưng thật ra bán hàng kém chất lượng, hàng lỗi kỹ thuật, mua về chưa xài đã hư; những kiểu khuyến mãi tuyên bố mua một món hàng được tặng một món hàng trị giá một triệu đồng lại là… máy cassette xài băng (loại mà không còn ai xài nữa, trị giá khoảng hơn một trăm ngàn đồng nhưng lại tuyên bố đến một triệu đồng)… đã đến lúc bị người tiêu dùng loại ra khỏi thị trường. Người xưa đã nói “nhất sự bất tín, vạn sự bất tin”.
Với những kiểu kinh doanh không trung thực, chất lượng hàng hóa không đảm bảo thì sẽ mất niềm tin trong lòng khách hàng. Và kinh doanh mà không có khách hàng cũng đồng nghĩa với phá sản, chỉ có điều là sớm hay muộn mà thôi.
HÀN NI