“Tiếng chuông” khác “tiếng chuông chùa”?

“Tiếng chuông” khác “tiếng chuông chùa”?

Kịch bản “Tiếng chuông chùa” của tác giả Hữu Ước đã được Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM cho ra mắt nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Công an (19-8-2005). Tháng 1-2006, kịch bản này lại được Đoàn kịch Nhà hát Tuổi Trẻ (NHTT) dàn dựng và công diễn với tên mới “Tiếng chuông” do Xuân Huyền đạo diễn.

“Tiếng chuông” khác “tiếng chuông chùa”? ảnh 1

Anh Tú và Đức Khuê trong kịch “Tiếng chuông”.

Vở kịch gieo vào lòng người xem một câu hỏi, một lựa chọn: Nếu ta là Giám đốc công an ta sẽ xử sao đây? Tác giả và đạo diễn đặt các lăng kính ở nhiều góc độ khác nhau để cùng một lúc soi thấu các mối quan hệ chằng chịt đan chéo giữa các nhân vật.

Mâu thuẫn xung đột lên tới cao trào không nổ ra giữa hai tuyến chính diện và phản diện mà là ở trong gia đình ông giám đốc: Bà vợ bỏ nhà nương cửa Phật để khỏi nhìn cảnh tượng mang tiếng vong ân với người đã cứu con mình. Còn ông Lê Đức sau những trăn trở tự vấn lương tâm trước câu hỏi: “Tôi có phải là kẻ độc ác không?” đã vượt qua được chính mình để làm tròn chức trách trước pháp luật.

Vụ án chỉ là một cái cớ, để khai thác chiều sâu đạo lý con người và đậm chất nhân văn. Các diễn viên Đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi Trẻ đã không phụ lòng khán giả.

NSƯT Anh Tú lần đầu tiên đảm nhiệm vai cán bộ cao cấp ngành công an nhưng anh đã diễn rất chững chạc và sâu sắc; Quách Thu Phương tiến bộ vượt bậc về khả năng biểu cảm tâm lý phức tạp của nhân vật – Á hậu Quỳnh Nga; rồi Đức Khuê (Thứ trưởng X – Bộ Thương mại) và Xuân Tùng (con ông), Kim Oanh, Thu Hương, Hồng Hạnh… mỗi người một vẻ đã khắc họa sắc nét những nhân vật trong vở diễn. 

HỒNG ANH

Tin cùng chuyên mục