Tiếng hát bên bờ đê

Tiếng hát bên bờ đê

Vầng trăng non lấp ló sau ngọn dừa, như còn ngượng ngùng không tỏa sáng cả cánh đồng vừa mới gặt xong, mênh mông sương muối giăng đầy.

Tiếng con nhái bầu chốc chốc lại vang vang như một biến tấu đặc biệt trong khúc nhạc đồng quê, mà các nhạc công là muôn loài côn trùng đại hòa tấu.

Khúc nhạc đồng quê nơi này trong đêm nay, có phần rộn rã hơn, sôi động hơn khi có hòa thêm tiếng đàn, lời ca của các chàng trai cô gái Tam Bình (Vĩnh Long), ngày ngày cày sâu cuốc bẫm trên đồng cạn dưới đồng sâu, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Ấy vậy mà đêm nay, cái dáng vẻ nông dân ấy dường như không còn tìm thấy, ai cũng ăn mặc trau chuốt, bảnh bao, cùng trải đệm ngồi quây quần dưới trăng bên bờ đê, kẻ đàn, người hát.

Tiếng hát bên bờ đê ảnh 1

Con kênh xanh xanh. Ảnh: TR.M.

Có thể gọi họ là những nghệ sĩ cũng đúng thôi, tiếng đàn lời ca tuy chưa điêu luyện lắm, nhưng cũng đủ độ rung làm thổn thức người nghe.

Tiếng đàn ngân nga trong đêm trừ tịch, giọng ca mùi mẫn ngọt ngào lan tỏa trên cánh đồng bàng bạc ánh trăng. Cung thương điệu nhớ mơ màng, quyện bay trong gió đêm.

Thoạt đầu chỉ có vợ chồng Ba Quân với vợ chồng Năm Thái, hai hộ nông dân nổi tiếng là sản xuất giỏi của làng Tường Lộc, huyện Tam Bình tỉnh Vĩnh Long.

Hai nhà chỉ cách nhau cái xẻo, chiều chiều lúc ngoài đồng về, họ thường ngồi với nhau khề khà chuyện nắng chuyện mưa bên ly rượu đế, khi thì con cá lóc nướng trui, lúc con cua đồng luộc chấm muối ớt… Cây nhà lá vườn vậy mà nhậu bắt hết biết.

Rượu ngà ngà, ai cũng hứng chí nghêu ngao câu vọng cổ. Vỗ tay tán thưởng là hai bà xã và đám con của Ba Quân với Năm Thái, dần dà hai bà cũng vùng lên đòi quyền lợi “Tui nói lối, ông vô vọng cổ, bộ… cha sao cứ để tụi này chỉ biết rửa chén, còn mấy ông tha hồ mùi mẫn sáu câu”.

Riết rồi khỏi nhờ hai ông tiếp sức, hai bà vô luôn vọng cổ, bài bản vắn dài gì cũng mần ráo trọi, bỏ các ông lại cả trăm cây số. Thấy không khí vui vẻ quá, anh hàng xóm kề bên tâm đắc, vác đàn qua rao lẳng tẳng sáu câu thêm phần rôm rả.

Mấy đêm rồi, Ba Quân trằn trọc không ngủ được, anh thao thức với một câu hỏi: Tại sao mình không quy tụ anh chị em trong xóm làng, thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử, cùng hát hò với nhau cho vui? Ở nông thôn điều kiện vui chơi giải trí thiếu thốn trăm bề, đêm về, mọi người chẳng biết làm gì, chỉ toàn đỏ đen hoặc say sưa bên ly rượu đế.

Nhiều người sau khi… “tới chỉ”, hay “cháy túi” thì kiếm chuyện chửi vợ đánh con. Đó là cái tệ hại phía sau của những xóm làng… văn hóa. Ba Quân bèn mang nỗi niềm ấp ủ trong lòng tâm sự với vợ chồng Năm Thái.

Ai ngờ vợ Năm Thái - chị Lưu Lệ Quyên - cũng rất máu văn nghệ, ủng hộ hết mình, chị khôi hài: “Không có gì vui chơi, mấy cha cứ chúi nhủi vào rượu”.

Chị liếc Năm Thái: “Nhậu xỉn về, hết xí quách, ruộng vườn bỏ bê. Tủi thân chị em tôi đêm đêm chỉ nghe tiếng ngáy như sấm của cái hũ hèm”.

Chỉ mới nghe hai vợ chồng Ba Quân, Năm Thái lên tiếng thì những người trong xóm vốn có máu văn nghệ đã tự động đến xin tham gia vào câu lạc bộ đờn ca tài tử gần ba chục người.

Tiếng hát bên bờ đê ảnh 2

Nhóm đờn ca tài tử “Tiếng hát bên bờ đê” tại lễ cúng đình. Ảnh: NHẬT NGÂN

“Mần gì cũng phải có tổ chức, nền nếp - Ba Quân suy nghĩ. Thành lập được câu lạc bộ đờn ca tài tử đã khó rồi, việc duy trì sinh hoạt cho ra gạo ra bắp thì càng khó hơn.”

Vậy là từ đó, sau khi mọi người bàn bạc đi đến đồng ý, cứ hằng tuần vào chiều thứ bảy sinh hoạt một lần.

Nếu vào đêm chủ nhật, các cháu đến nghe chơi, đứa nào hát được tập cho nó hát luôn.

Các thành viên trong câu lạc bộ luân phiên chịu trách nhiệm đăng ký sinh hoạt tại nhà mình một lần. Tới phiên nhà nào, chủ nhà phải đài thọ lít rượu đế với dĩa mồi.

Ngoài ra, ai có gì mang tới cái nấy, tùy hỷ. Đặc biệt là khi đến sinh hoạt, tất cả phải ăn mặc tề chỉnh, ai quần áo lôi thôi lếch thếch không được đến.

Ngoài việc sinh hoạt hằng tuần, bất kỳ nhà nào trong xóm có đám tiệc hay ma chay là có CLB đờn ca tài tử đến phục vụ miễn phí.

Nhân dịp ngôi đình làng vừa mới khôi phục, lần đầu cúng Kỳ yên lễ Thượng điền, Ba Quân bàn với cả nhóm là “câu lạc bộ mình thành lập đã ngót 3 năm, nhưng vẫn im hơi lặng tiếng, chưa có dịp ra mắt…hoành tráng.

Dịp cúng đình này, mình đăng ký với Ban Hương đình phục vụ văn nghệ trọn gói để cho bà con cả làng cùng thưởng thức”. Nhưng khổ nỗi, CLB chỉ có 2 cây đàn thùng, tân với cổ nhạc. Vậy là cả nhóm chia nhau chạy mượn nào là đàn, trống, ampli, micro…

Qua một ngày đêm phục vụ văn nghệ lễ cúng đình, bà con ai cũng tấm tắc khen: “Không ngờ trong làng mình có đội văn nghệ hay quá, nhất là cái thằng gì mập mập đó, nó hát y hệt Thanh Tuấn. Khi nó vô vọng cổ, mình thử nín thở theo coi hơi dài bằng nó không, đến khi nó xuống một cái, mình thở cái khì, muốn đứt… lưng quần.

Còn thằng Ba Quân, có duyên dễ sợ, nó hát mà như làm hề, cười muốn bể bụng”.

Mô hình sinh hoạt đờn ca tài tử như anh Ba Quân thành lập có ý nghĩa rất hay, nó vừa tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên nông thôn, vừa phát huy và bảo tồn vốn văn hóa văn nghệ truyền thống của dân tộc.

Nhưng hiện nay, anh em vẫn còn sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn mọi mặt, nhất là về nhạc cụ. Phải chi câu lạc bộ đờn ca tài tử ở miệt vườn này được các vị quan tâm đến nền âm nhạc dân tộc trợ giúp về nhạc cụ, để tiếng đàn lời ca mộc mạc ấy sẽ còn vang mãi bên bờ đê…

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục