Tiếp sức lính đảo

Những năm gần đây, theo chân những chuyến ra thăm hỏi và làm việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đang sinh sống, làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), ngoài quà tặng và những tình cảm yêu thương của người dân còn có nhiều gia đình được tổ chức ra tận đảo để thăm hỏi, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Đây là một chủ trương mang ý nghĩa thiết thực, sâu sắc. Trong hải trình mới đây, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những câu chuyện đầy xúc động của những người mẹ chiến sĩ.
Tiếp sức lính đảo

Những năm gần đây, theo chân những chuyến ra thăm hỏi và làm việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đang sinh sống, làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), ngoài quà tặng và những tình cảm yêu thương của người dân còn có nhiều gia đình được tổ chức ra tận đảo để thăm hỏi, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Đây là một chủ trương mang ý nghĩa thiết thực, sâu sắc. Trong hải trình mới đây, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những câu chuyện đầy xúc động của những người mẹ chiến sĩ.

Chị Đào Thị Hồng Hoa và con trai, chiến sĩ Sầm Khắc Huy hội ngộ trên đảo Song Tử Tây

1. Đêm đầu tiên trên tàu, dù mệt vì chưa quen cảm giác bồng bềnh trên sóng nhưng chị Đỗ Thị Anh Khoa, mẹ của chiến sĩ Phạm Văn Anh Đại đang công tác trên đảo Song Tử Tây, không tài nào chợp mắt được. Hết lôi giỏ quà ra xếp đi xếp lại, chị lại ngồi mân mê lá thư mà cậu em út 9 tuổi gửi ra đảo cho anh Hai, mà cứ theo căn dặn mẹ không được “lén” đọc trước. Giỏ quà trái cây quê nhà là chuối, táo, lê và cơ hồ mắm ruốc, mắm tôm, muối tiêu, tương ớt, đậu phộng... Chị Khoa bảo rất bất ngờ khi nghe tin sẽ được TPHCM cho ra thăm con trai ngoài đảo. Ba của Đại làm phụ hồ, còn chị buôn bán tạp hóa, cà phê. “Cháu Đại gọi điện về ríu rít, bảo mẹ cố gắng sắp xếp ra đảo thăm con cho biết. Mà không phải ai cũng được đi, 10 gia đình thân nhân thì chỉ có 1 được chọn. Đó là vinh dự của gia đình mình”, chị Khoa cười tươi. Chị mừng quýnh đến luống cuống cả tay chân, không biết phải chuẩn bị những gì cho chuyến đi bất ngờ, hỏi con trai thì nghe giọng Đại chắc nịch: “Không cần mang gì nhiều đâu mẹ, tụi con ở đây nhận được nhiều quà và tình cảm của đất liền lắm, không thiếu gì đâu. Mẹ đừng xách nặng vì sức khỏe mẹ không tốt…”. Từ khi vào bộ đội hải quân, chị Khoa thấy con trai chững chạc và lớn hẳn. Chiều 25 Tết vừa rồi, Đại gọi điện về hỏi thăm đủ thứ, dọn dẹp nhà cửa chưa, mẹ mua sắm gì rồi, quần áo chuẩn bị thế nào...  Mẹ yên tâm, mai mốt con về con sẽ trồng rau cho ba mẹ, kèm cặp cho thằng út học hành đàng hoàng. “Thấy con khôn lớn và trưởng thành từng ngày, lòng tôi vui lắm”, chị nói mà nước mắt rưng rưng.

Trước hôm tàu cập bến đảo Song Tử Tây, tôi ngạc nhiên khi thấy chị về giường nằm khá sớm. “Chưa ngủ được em à, nhưng phải nằm nghỉ ngơi để sáng mai tươi tỉnh gặp mặt con, không thôi nó thấy mình phờ phạc lại lo”. Quả thật, chàng trai trẻ hết ôm chầm mẹ rồi cứ ngồi nhìn mẹ không rời mắt, liên tục hỏi mẹ khỏe không, có bị say sóng, ăn uống được không… Khác với sự lo lắng động viên của chúng tôi, chị Khoa cười rạng rỡ, ánh mắt ngời hạnh phúc. “Mình thì phải cười thật tươi để động viên con trai yên tâm rèn luyện. Nếu có khóc, đó chỉ là nước mắt của niềm vui và hạnh phúc khi thấy con thật sự trưởng thành”, chị nói.

2. Cũng mạnh mẽ và kiên cường không kém là chị Đào Thị Hồng Hoa, mẹ của chiến sĩ Sầm Khắc Huy. Dáng người nhỏ nhắn, những ngày trên tàu bị sóng vật tơi bời nhưng ý chí, nghị lực và niềm tin của người mẹ trẻ ấy khó ai sánh được. Huy đi dân quân tự vệ ở phường được 1 năm thì vào bộ đội, tình nguyện ra Trường Sa. Chị Hồng Hoa tâm tình: “Tôi với chồng cùng động viên con trai khi biết con tình nguyện ra đảo, con đi để trưởng thành và hãy làm những gì con thích, những gì con cho là đúng nghĩa vụ với đất nước. Mẹ luôn ủng hộ con và hơn tất cả, mẹ rất tự hào khi con là lính Trường Sa”. Khắc Huy lúc còn ở nhà đã có ba mẹ lo cả, tính tình cộc cằn lắm, ai nói gì trái ý là cãi ngay. Giờ trao đổi qua điện thoại, nhận thấy con trai đã khôn lớn, già dặn và tự lo tất cả. “Huy gọi về hỏi thăm sức khỏe không thiếu một ai, từ ông bà nội ngoại đến ba mẹ, em gái, cả hàng xóm láng giềng. Huy bảo, tuy ở xa có nhớ nhà nhiều, nhưng tình cảm chan hòa yêu thương, anh em hòa thuận chia sẻ trên đảo đã khiến con thấy ấm áp như một đại gia đình. Giờ con đã yêu cuộc sống lính đảo rồi. Con nói câu nào mình nghe mát ruột câu nấy”, chị Hồng Hoa tâm sự rồi kể thêm, giáp tết con trai gọi điện kể với mẹ, ngoài đảo đón tết vui lắm, cũng nào gói bánh chưng, bánh tét, nào làm heo làm gà không khác gì đất liền. “Ngày 8 - 3, nó mượn điện thoại nhắn tin về “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều”! Lần nào gọi về, nó cũng bảo mẹ đừng lo gì cả, anh em tụi con ở ngoài này đủ đầy, không thiếu thốn gì. Con chỉ nhớ nhất là món thịt kho nước dừa của mẹ thôi, không ai kho ngon bằng mẹ. Tôi thì lúc nào cũng động viên con trai, ở nhà mọi việc ba mẹ cố gắng lo chu toàn, con không phải bận tâm gì”, người mẹ trẻ không ngớt kể về con trai, niềm vui rạng ngời trong từng ánh mắt.

Trong câu chuyện với chúng tôi trên tàu, đôi khi mắt chị rưng rưng, chị bảo đó là những giọt nước mắt của niềm vui, tự hào và hạnh phúc khi thấy con nên người. Nhưng trong suốt buổi chuyện trò với con trai trên đảo, gương mặt chị tươi vui đến rạng ngời. Người mẹ ấy luôn chia sẻ, động viên con trai hãy cố gắng phấn đấu, rèn luyện thật tốt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục