Năm nay do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán dài hơn nên trong những ngày qua lượng người trở về TP để làm việc, học tập có phần trễ hơn so với các năm trước. Tuy nhiên, trong ngày hôm qua 20-2, lượng người trở lại TP đã bắt đầu đông. Tại nhiều tỉnh, thành, tình trạng khan hiếm tàu, xe về TP đang là nỗi lo ngại của người dân.
Tại TPHCM, tại Bến xe miền Đông, trong buổi sáng sớm đã có hàng chục xe chở khách ra vào bến. Nhộn nhịp nhất là từ 16 giờ trở đi, trong vòng 5 - 10 phút có đến chục xe khách nối đuôi nhau vào bến. Trong lúc đó, tại xa lộ Hà Nội, đường Xuyên Á, Quốc lộ 13… từ đầu giờ chiều, từng tốp xe khách nối đuôi nhau từ Đồng Nai vào trung tâm TP dài cả kilômét. Riêng ở khu vực trước cổng Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (quận 9), bắt đầu từ 15 giờ, hàng ngàn phương tiện từ các tỉnh đổ về cùng một thời điểm nên đã khiến cho tình trạng giao thông tại khu vực này bị ùn tắc, kẹt xe kéo dài trong nhiều giờ liền.
Do lượng người trở lại TP đông nên tại khu vực ngã ba 621 (gần Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM), chân cầu vượt Linh Xuân, cầu vượt Sóng Thần, cầu vượt Gò Dưa, cầu Bình Phước… nhiều tài xế xe khách thay vì cho xe chạy vào Bến xe miền Đông lại cho xe dừng dọc đường trả khách để tranh thủ quay đầu xe lấy khách chuyến sau khiến tình trạng giao thông rất hỗn loạn.
Cũng trong ngày hôm qua, tại Ga Sài Gòn, hàng chục ngàn hành khách từ các tỉnh phía Bắc trở về TP làm việc khiến cho khu vực nhà ga bị quá tải. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Trưởng ga Sài Gòn cho biết, trong ngày 20-2, ga Sài Gòn tiếp nhận 17 - 18 đoàn tàu với khoảng 12.000 - 13.000 hành khách ở các tỉnh phía Bắc trở về TP làm việc và học tập. Do lượng khách từ các tỉnh đổ về TP đông nên nhà ga đã phối hợp với lực lượng công an các phường 9, 10, 11 (quận 3) đảm bảo an ninh trật tự cho hành khách.
Tại TP Đà Lạt, do lượng khách du lịch, người lao động và sinh viên từ Đà Lạt trở về TPHCM tăng đột biến nên các hãng xe chất lượng cao chạy tuyến này đều “cháy vé”.
Chiều 20-2, giá vé xe khách vào TPHCM tại Quy Nhơn là 270.000 – 350.000 đồng, tại Quảng Ngãi 400.000 - 450.000 đồng. Giá trên trời như vậy nhưng hành khách vẫn không mua được vé. Nhiều hành khách cho biết, giá vé ngày thường tại các tuyến này chỉ từ 120.000 đồng (Quy Nhơn) - 220.000 đồng (Quảng Ngãi). Vé tàu tại ga Diêu Trì (Bình Định), ga Quảng Ngãi cũng như vé máy bay hầu như đã hết sạch. Muốn có vé, hành khách chỉ còn cách xếp vào vé chờ. Chúng tôi gọi vào số máy đặt vé bay qua điện thoại tại Quy Nhơn để đi Sài Gòn, nhưng cô nhân viên bảo phải chờ.
Tại các bến xe ở ĐBSCL, lượng hành khách đi TPHCM tăng mạnh nhưng không xảy ra tình trạng thiếu xe. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải khách đều tăng tuyến để phục vụ hành khách, trong đó, tăng nhiều nhất là tuyến Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Cà Mau, Sóc Trăng… đi TPHCM. Tại bến xe Cần Thơ, tính đến chiều cùng ngày, có khoảng trên 1.000 lượt xe xuất bến với khoảng 20.000 lượt hành khách.
* Tuy không thiếu xe nhưng tình trạng kẹt xe tại phà Cần Thơ vẫn tiếp diễn. Dù đã huy động toàn bộ 14 phà hiện có (8 phà 200 tấn 6 phà 100 tấn) và tăng ca trực nhưng vẫn ùn tắc giao thông tại đây. Nghiêm trọng nhất là buổi trưa, khi lượng xe gắn máy từ khắp các tỉnh ĐBSCL đổ về Cần Thơ đi TPHCM tăng cao. Ước tính, trong ngày, lượng xe gắn máy qua phà đã lên đến trên 100.000 lượt phương tiện. Lượng xe khách ùn tắc cũng xếp hàng kéo dài hàng cây số từ cổng xuống phà đến Trung tâm Thương mại Cái Khế. Ban giám đốc cụm phà đã mở thêm các điểm bán vé qua phà cho xe gắn máy, xong nhiều người vẫn phải chen chúc hàng chục phút mới mua được vé qua phà. Theo một tài xế của hãng vận tải khách Mai Linh chạy tuyến Cần Thơ – TPHCM, phải mất khoảng 7 - 8 giờ mới đến được Bình Chánh, trong khi ngày thường chỉ khoảng 4 giờ.
Nhóm PV