
(SGGP).- Chiều tối qua (9-11), bão số 9 đã suy yếu đi một ít. Vị trí tâm bão ở vào khoảng 18 độ vĩ Bắc; 116,1 độ kinh Đông, trên khu vực Bắc biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88km/giờ), giật cấp 10, cấp 11. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc biển Đông, bao gồm cả phía Đông quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, ở vịnh Bắc bộ và vùng biển ngoài khơi Trung Trung bộ có gió Đông-Bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Biển động mạnh.

Ngày 9-11, tất cả di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế đã được gia cố bằng gỗ chắc để chống đỡ bão số 9. Ảnh: VĂN THẮNG
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, trong 24 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng giữa Nam và Nam Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km. Đến 16 giờ ngày 10-11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ vĩ Bắc; 115,9 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 400km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.
Trong 24 - 48 giờ tới, bão số 9 di chuyển theo hướng Nam Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 10 – 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Đến 16 giờ ngày 11-11, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 14,2 độ vĩ Bắc; 114,9 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (phía Bắc quần đảo Trường Sa) khoảng 300km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 61km/giờ), giật cấp 8, cấp 9.
Do hướng đi của cơn bão số 9 rất phức tạp, đang “lòng vòng” trên biển Đông và gây nguy hiểm nên chiều qua, 9-11, Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có thêm một công điện khẩn gửi Ban chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau và Kiên Giang yêu cầu, bằng mọi biện pháp sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo ngay cho các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết thông tin về diễn biến và hướng đi của bão để chủ động về nơi trú tránh an toàn gần nhất, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm (được xác định từ vĩ tuyến 10 đến 19 độ vĩ Bắc và phía Đông kinh tuyến 110 độ kinh Đông). Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các sự cố, chủ đầu tư các khu vực khai thác dầu khí, các chủ phương tiện vận tải thủy chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình trên biển.
* Trung tâm Dự báo KT - TV Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh, đêm 8 rạng ngày 9-11, tại Sìn Hồ (Lai Châu) nhiệt độ đã xuống tới 50C, còn tại Sa Pa (Lào Cai) là 80C. Một số nơi thuộc các tỉnh miền núi Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn... nhiệt độ ban đêm cũng đã xuống ngưỡng 100C. Đặc biệt, ở vùng biển và trung du Bắc bộ, một số nơi nhiệt độ cũng đã xuống rất thấp như Tiên Yên (Quảng Ninh) 130C, Sơn Động (Bắc Giang) 12,80C. Do không khí lạnh nên trong 2 ngày qua, tại miền Bắc trời quang mây, nắng đẹp. Dự báo hôm nay, 10-11, nhiệt độ sẽ còn giảm thêm 1-2 độ nữa. Ban đêm và sáng sớm toàn miền Bắc trời sẽ tiếp tục lạnh, ban đêm khoảng 17-190C. Tuy nhiên, ban ngày trời nắng ấm, hơi hanh khô và kiểu thời tiết này sẽ còn duy trì thêm 3 - 4 ngày nữa.
Lê Văn - Phúc Hậu
Miền Trung: Chuẩn bị đối phó bão số 9
- Nghệ An: Cứu được 2 cháu bé trôi dạt trên biển
Ngày 9-11, Đồn Biên phòng 148 – Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An phối hợp với 2 phương tiện của ngư dân đã cứu được 7 ngư dân tàu NA 95411 bị nạn trên biển. Trước đó, nhận được tin báo từ phía Thanh Hóa, rạng sáng 8-11, trong khi neo đậu tại lạch Hà Lẫm (xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia), tàu TH 1460 của ông Nguyễn Văn Mẫn đã bị đứt dây và trôi dạt về hướng biển Nghệ An. Lãnh đạo tỉnh này đã chỉ đạo tất cả các lực lượng trên tuyến biển tham gia tìm kiếm. Đến tối cùng ngày, tàu này trôi đến địa phận xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc) thì được phát hiện, trên tàu có 2 cháu bé đang hôn mê. Do được cấp cứu kịp thời nên 2 cháu đã qua cơn nguy hiểm. BĐBP và Công an huyện Nghi Lộc đã làm thủ tục để đưa 2 cháu bé và phương tiện trao trả cho gia đình ông Nguyễn Văn Mẫn.
- Quảng Bình: Nguy cơ vỡ đập Mũi Rồng
Trong ngày 9-11, tất cả tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh đã vào neo đậu tránh bão an toàn tại các bến. Tuy nhiên, do liên tiếp từ ngày 7 đến 9-11, trên địa bàn Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to, mực nước lũ trên các sông lên nhanh, xấp xỉ mức báo động 2. Dọc theo hai bờ sông Gianh, nước lũ tiếp tục làm sạt lở nhiều điểm, nhất là ở xã Quảng Hải... Đặc biệt, công trình thủy lợi Mũi Rồng (xã Quảng Tiên, Quảng Trạch) có nguy cơ vỡ, hiện tại đã được địa phương khắc phục tạm thời các điểm sạt lở nặng có thể vỡ tại công trình này. Công trình thủy lợi Phú Vinh (Đồng Hới) cũng buộc phải xả nước ở đập tràn, gây nên úng ngập ở phường Đồng Sơn.
- Quảng Trị: Khẩn cấp gia cố tuyến đê bao Triệu An
Ngày 9-11, hàng ngàn người dân xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã sử dụng bao tải cát, đá tiến hành gia cố lại tuyến đê bao ngăn lũ và triều cường cho hàng trăm hồ tôm cá và gần 200ha hoa màu… Tuyến đê dài khoảng 5km bị sạt lở nhiều đoạn trong những trận mưa lũ vừa qua. Ông Lê Chí Công, Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, việc gia cố những điểm sạt lở trên tuyến đê trên chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài địa phương đang tính đến phương án xây dựng bờ kè.
- Thừa Thiên - Huế: 100 tấn gạo và 50 tấn mì tôm phòng bão số 9
Đến chiều 9-11, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa to làm cho hàng trăm hộ dọc theo sông Ô Lâu, sông Bồ và ven phá Tam Giang bị ngập lụt trở lại. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động triển khai đối phó với bão lụt, nghiêm cấm tàu ra khơi, thành lập 3 đoàn kiểm tra đến 9 huyện và một số cơ sở trọng điểm. Toàn tỉnh có 45 tàu thuyền trên biển với 296 lao động của tỉnh đã vào bờ an toàn. Các địa phương trong tỉnh cũng đã tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ dùng trong 15 ngày, lên phương án di dời dân vùng nguy hiểm như cửa biển, vùng sạt lở. UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương chuẩn bị 100 tấn tạo và 50 tấn mì tôm để sẵn sàng cứu trợ khi có tình huống xấu xảy ra. Các di tích tại cố đô Huế cũng được chằng chống đủ khả năng chống bão.
- Đà Nẵng: Chuẩn bị các địa điểm cho dân tránh bão

Tàu thuyền các tỉnh miền Trung neo đậu trú bão trên sông Hàn, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Để chủ động đối phó với bão số 9 khi đổ bộ vào đất liền, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN TP Đà Nẵng đã lên kế hoạch, sẵn sàng di dời 25.000 hộ dân với 137.000 người thuộc các quận, huyện: Hòa Vang, Thanh Khê, Liên Chiều, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hải Châu... đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chuẩn bị địa điểm di dời đến, sẵn sàng các phương tiện để đưa người dân đi tránh bão. Ngành y tế cũng đã lên kế hoạch lập 4 - 5 trạm cấp cứu di động, cử lực lượng y, bác sĩ cùng các cơ số thuốc đến những địa điểm di dời người dân đến trú bão. Để đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân khi bão lũ xảy ra, ngành thương mại đã chuẩn bị 6 tỷ đồng sẵn sàng mua gạo, mì tôm cấp phát cho người dân.
Theo tin từ Ban Chỉ huy PCLB và TKCN TP Đà Nẵng, tính đến 16 giờ ngày 9-11, đã kêu gọi được 229 tàu với 1.585 lao động vào bờ an toàn. Hiện còn 86 tàu với 481 ngư dân chưa về đến Đà Nẵng, tuy nhiên BĐBP Đà Nẵng đã nắm được tình hình cụ thể của số tàu thuyền này. Các lực lượng chức năng phối hợp cùng chủ phương tiện kéo, di chuyển được 85 phương tiện loại nhỏ lên bờ an toàn; âu thuyền Thọ Quang đã sắp xếp khoảng 500 tàu vào neo đậu trú bão.
- Quảng Nam: Sẵn sàng di dời tại chỗ khoảng 6 vạn dân ven biển
Tính đến 16 giờ ngày 9-11, toàn bộ 2.310 tàu với 11.150 lao động của tỉnh Quảng Nam hoạt động trên biển đã vào bờ trú bão số 9 an toàn. Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố ven biển như: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành sẵn sàng các phương án sơ tán và di dời dân trước lúc bão đổ bộ 12 giờ đồng hồ. Theo đó, các huyện, thành phố trên đã sẵn sàng phương án di dời dân với gần 60.000 người nếu như bão đổ bộ vào đất liền. Tuy nhiên, các phương án di dời dân chủ yếu là di dời tại chỗ để đảm bảo an toàn.
Nhóm PV