Tiếp tục kích cầu, khơi thông thị trường nội địa

Hơn 1 năm qua các hoạt động kết nối cung cầu, khuyến mại được tổ chức thường xuyên khắp các tỉnh, thành trên cả nước đã tạo ra tác động tích cực, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.
Hoạt động khuyến mãi liên tục được doanh nghiệp triển khai để kích cầu tiêu thụ hàng Việt
Hoạt động khuyến mãi liên tục được doanh nghiệp triển khai để kích cầu tiêu thụ hàng Việt

 Nối tiếp thành công này, từ đầu năm 2021, nhiều tỉnh, thành đã khởi động các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, khuyến mại tập trung với mong muốn kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tiêu thụ hàng hóa hậu 
dịch Covid-19.

Chủ động ngay từ đầu năm

Mới đây, Sở Công thương TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch tổ chức chương trình tháng khuyến mại năm 2021, dự kiến diễn ra từ ngày 10-4 đến 10-5. Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, chương trình sẽ vận động các DN, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích, nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí, hộ kinh doanh… trên địa bàn thành phố tham gia. Sở Công thương TP Hà Nội cho biết, năm 2021, Hà Nội tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung nhằm thu hút từ 1.000-2.000 DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thông qua tổ chức các sự kiện vì quyền lợi người tiêu dùng, tháng khuyến mãi, các chương trình xúc tiến thương mại…

Theo Sở Công thương TP Hà Nội, thông qua các chương trình này, thành phố sẽ hỗ trợ DN triển khai đa dạng các hình thức khuyến mãi quy mô lớn với mức giảm giá sâu, cung cấp các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân và du khách. Cùng với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá phát triển sản phẩm, thương hiệu, liên kết vùng, kết nối sản xuất giao thương trên địa bàn với các địa phương trên cả nước; đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021. Đặc biệt, để kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua đó giúp DN, nông dân tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, trong năm 2021 Sở Công thương Hà Nội sẽ tổ chức 5 Tuần hàng Việt.

Còn ở Đồng Nai, ngay từ đầu năm, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh này cho biết sẽ triển khai nhiều hoạt động kết nối hàng Việt, xúc tiến thương mại trong trạng thái “bình thường mới” với nội dung, cách thức phù hợp. Với hoạt động xúc tiến thương mại chuyên đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị và địa phương tổ chức 30 chuyến hàng Việt về các khu công nghiệp và nhà máy phục vụ công nhân, người lao động. Sẽ tổ chức 2 phiên chợ công nhân và 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn. Trung tâm cũng dự kiến xây dựng 6 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.

Ngoài những địa phương nói trên, ở các tỉnh, thành khác đều đã có những kế hoạch cụ thể để thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Chẳng hạn An Giang sẽ tiếp tục tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Châu Phú và lễ tổng kết chuyến bán hàng Việt lưu động tại chợ; Hậu Giang chuẩn bị tổ chức Hội chợ Công thương khu vực ĐBSCL tỉnh Hậu Giang năm 2021 và các phiên chợ hàng Việt về nông thôn ở các huyện, thị trên địa bàn. Những chương trình này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của những DN lớn như Co.opmart, Bách hóa Xanh… được xem là động thái tích cực trong việc chủ động, linh hoạt để DN trong nước định hướng kinh doanh phù hợp trong bối cảnh mới. 

Khơi thông thị trường, thúc đẩy kinh doanh

Theo đánh giá của giới phân tích kinh tế, khi DN gặp khó về thị trường tiêu thụ, việc chính quyền địa phương kịp thời tổ chức những hoạt động kết nối và khuyến mại tập trung là hành động thiết thực hậu thuẫn cho DN Việt. Lý do, khi cả nước cùng tập trung thực hiện thì các DN từ lớn đến nhỏ đều góp sức tham gia, từ đó xoay chuyển tình thế, tự tin đứng vững hơn giữa dịch bệnh. Đơn cử, Tập đoàn Masan đã đạt doanh thu thuần hợp nhất năm 2020 là 77.218 tỷ đồng, tăng 106,7% so với năm 2019. Theo đại diện của Masan, đóng góp vào tăng trưởng doanh thu trên là do mảng kinh doanh thịt và hàng tiêu dùng có thương hiệu ghi nhận kết quả tốt. 

Trong lĩnh vực bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, năm 2020 hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op giữ vững thị phần và đạt tổng doanh thu ở mức cao so với thị trường chung. Tổng doanh thu Saigon Co.op đã vượt 33.000 tỷ đồng, tương ứng gần 90% kế hoạch, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại TPHCM, doanh thu của hệ thống Co.opmart chiếm trên 45% thị phần ở kênh siêu thị. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Saigon Co.op ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, cao hơn so với kế hoạch ban đầu. 

Để có kết quả nói trên, Saigon Co.op đã bám sát những chủ trương của địa phương, nhà nước trong việc thực hiện khuyến mại, kích cầu tiêu dùng cũng như liên kết với các nhà cung cấp hàng hóa. Đáng chú ý, việc kinh doanh vững vàng của những DN đầu ngành như Saigon Co.op còn góp phần hỗ trợ cho hàng triệu sản phẩm từ may mặc, thực phẩm, nông sản tới hóa mỹ phẩm của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã… khắp cả nước có đầu ra ổn định. 

Đại diện của Saigon Co.op cho biết, năm 2021 sẽ mở thêm các điểm bán lẻ mới để tạo cầu nối cho hàng Việt; tăng cường hơn các hoạt động kết nối với các tỉnh thành, địa phương trên cả nước nhằm đảm bảo đưa hàng Việt tiếp tục trở thành trụ cột và cùng vươn lên trong nền kinh tế.

Theo Bộ Công thương, sự chủ động của các DN, nhà phân phối trong việc đa dạng hóa phương thức kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm đã góp phần giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đạt hơn 5.059 ngàn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2019. Đà tăng này đã tiếp tục được giữ vững khi quý I-2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.291 ngàn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ.  

Tin cùng chuyên mục