Tiết kiệm điện là một phần trong toàn bộ tư duy và giải pháp tiết kiệm năng lượng nói chung ở Đức. Người Đức mỗi khi rời khỏi vị trí, dù đó là phòng ngủ, phòng làm việc hay nhà vệ sinh, đều không quên tắt điện và đóng cửa. Sử dụng bóng điện với công suất vừa phải và chỉ bật ở những khu vực đang hoạt động, nên hiếm có chuyện các ngôi nhà ở Đức sáng rực từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
Bên cạnh điện, người Đức còn dùng khí gas để sưởi ấm và đun nóng nước, đặc biệt để chống chọi với mùa đông lạnh giá kéo dài. Nhờ vậy, người sử dụng đã phần nào giảm được gánh nặng từ hóa đơn tiền điện hàng tháng cho việc chiếu sáng, sưởi ấm hay làm mát. Các loại máy móc trong nhà như ti vi, máy tính, máy giặt… được khuyên không nên để stand by (chế độ chờ) mà cần phải ngắt trực tiếp với nguồn. Nếu tất cả máy móc đều để chế độ stand by, số tiền phải trả cho khoản năng lượng này 1 năm có thể lên tới 75 EUR cho mỗi gia đình. Người Đức khuyên nhau, tốt nhất nên lắp đặt các thiết bị máy móc với một công tắc, khi không sử dụng nữa chỉ cần tắt công tắc chung.
Ở Đức, vấn đề tiết kiệm điện nói riêng và tiết kiệm năng lượng nói chung được quan tâm cả dưới góc độ chính trị, kinh tế và công nghệ, từ cấp chính phủ cho đến từng địa phương và đặc biệt là từ chính mỗi người dân. Các thiết bị tiêu thụ điện bán ra trên thị trường cũng đều phải trải qua quá trình kiểm định và dán nhãn tiêu thụ năng lượng. Khách hàng cũng luôn quan tâm đến điều này và xem mức tiêu thụ năng lượng là một trong những tiêu chí quan trọng để quyết định việc chọn sản phẩm của nhà sản xuất nào. Đặc biệt, với những người có ý thức bảo vệ môi trường, họ có thể chọn nhà cung cấp điện “xanh”, bán các loại điện chủ yếu sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo như ánh sáng mặt trời và gió, dù mức giá có thể cao hơn so với điện từ các nguồn phổ biến hơn như năng lượng hạt nhân hay than đá.
Theo báo cáo của Hội đồng Mỹ về nền kinh tế sử dụng năng lượng hiệu quả (ACEEE), trước đây, Đức là quốc gia sử dụng điện hiệu quả nhất trên thế giới trong lĩnh vực công nghiệp. Báo cáo của ACEEE đã đánh giá cao mục tiêu của Đức là giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng chính vào năm 2020 và 50% vào năm 2050, so với mức của năm 2008. Ngoài ra, Đức đã tuyên bố chọn con đường từ bỏ năng lượng hạt nhân theo lộ trình từ nay đến năm 2022, đồng thời tăng nguồn cung cấp điện từ năng lượng tái tạo đến 60% vào năm 2035.
Thực tế, quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đức đang diễn ra mạnh mẽ. Đến hết năm 2018, tỷ lệ điện từ nguồn năng lượng tái tạo ở Đức đã chiếm đến 40%. Nước Đức đã đóng cửa dần các nhà máy điện hạt nhân và sẽ kết thúc lộ trình này trong vài năm tới. Mỏ than đá cuối cùng cũng đã ngừng khai thác trong năm qua. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh năng lượng thì một trong những yếu tố then chốt là sử dụng hiệu quả, tiết kiệm.