Theo dự thảo lần 6 Nghị định quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo vừa được công bố thì xu hướng tổ chức trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương, lãng phí được đề cao.
- Giảm số ngày lễ
Theo dự thảo Nghị định thì một năm sẽ chỉ có 7 ngày lễ lớn. Nếu sắp xếp theo trình tự thời gian thì các ngày lễ lớn sẽ gồm có ngày Tết Nguyên đán (1-1 Âm lịch); ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2); ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch); ngày Chiến thắng (30-4); ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5); ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5); ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8) và ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9).
Tuy nhiên, với từng ngày lễ, “Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; “Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5” và “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại thì cách thức tổ chức cũng không giống nhau. Chỉ những năm chẵn (10 năm/lần) mới tổ chức ngày lễ ở quy mô cấp Nhà nước.
Các danh nhân, nhân vật lịch sử, đối tượng ở đây được hiểu là những người nổi tiếng, có đóng góp to lớn trên một hoặc một số lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, có đạo đức trong sáng được lịch sử ghi nhận, được Đảng, Nhà nước công nhận. Dự thảo nghị định cũng quy định rõ trong những năm lẻ, năm tròn không tổ chức lễ kỷ niệm mà chỉ tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chỉ trong những năm chẵn, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quê hương của danh nhân, nhân vật lịch sử chủ trì, phối hợp với ban, bộ, ngành liên quan tổ chức lễ kỷ niệm. Trường hợp chưa xác định được quê hương thì tổ chức lễ kỷ niệm vào năm chẵn ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mất của danh nhân, nhân vật lịch sử. Nếu chưa xác định được năm mất thì tổ chức lễ kỷ niệm vào năm sinh của danh nhân, nhân vật lịch sử…
Kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng chỉ tổ chức vào năm chẵn (10 năm/lần.)
- Tiết kiệm đúng mức
Để tiết kiệm, tránh lãng phí, một trong những quy định được dự thảo đưa ra là việc không tặng quà biểu trưng, biểu tượng (logo), không chiêu đãi (trừ lễ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Việc biểu diễn nghệ thuật trong chương trình cũng được tiết giảm bớt và phải phù hợp với nội dung buổi lễ, thời gian biểu diễn không quá 30 phút và phải được ghi rõ trong giấy mời. Đối với năm lẻ, năm tròn sẽ không tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của ban, bộ, ngành…, không tổ chức diễu binh, diễu hành trong những ngày này.
Đối với trường hợp khách mời tham dự các buổi lễ, chỉ mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước (1 trong 3 chức danh: Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), nguyên là Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tham dự lễ dâng hương trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào các năm chẵn. Khách mời là người nước ngoài thì phải do cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Ngoài ra, dự thảo nghị định này cũng có đề cập tới việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ quốc tế; trao tặng danh hiệu thi đua khen thưởng; cách thức đón tiếp các đoàn khách cấp cao nước ngoài thăm chính thức…
Tại thời điểm này, dự thảo nghị định được công bố rộng rãi lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nhằm hoàn chỉnh để khi được ban hành sẽ chấn chỉnh tình trạng tổ chức các lễ kỷ niệm mang tính chất tự phát tại nhiều địa phương trong thời gian qua. Đồng thời góp phần đưa hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn theo hướng trang trọng, văn minh, tiết kiệm, hiệu quả.
VĨNH XUÂN