Tiểu dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No: Đội vốn từ 264 lên 1.700 tỷ đồng mới phát huy hiệu quả!

Thay đổi thiết kế xoành xoạch
Tiểu dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No: Đội vốn từ 264 lên 1.700 tỷ đồng mới phát huy hiệu quả!

Tiểu dự án thủy lợi kiểm soát lũ Ô Môn – Xà No đi qua TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang (một trong 3 tiểu dự án quan trọng thuộc Dự án phát triển thủy lợi ĐBSCL) được triển khai từ năm 1999. Đến nay, sau hàng loạt lần điều chỉnh thiết kế, đội vốn đầu tư từ 264 lên gần 600 tỷ đồng, thời hạn thực hiện cũng hết nhưng công trình vẫn còn “ngổn ngang” và chưa phát huy tác dụng, gây bức xúc trong dân. Khó hiểu hơn khi mới đây, đại diện chủ đầu tư (Bộ NN-PTNT) cho rằng tiểu dự án này cần phải được đầu tư thêm 1.200 tỷ đồng mới phát huy hiệu quả (?!).

Thay đổi thiết kế xoành xoạch

Tiểu dự án thủy lợi Ô Môn - Xà No: Đội vốn từ 264 lên 1.700 tỷ đồng mới phát huy hiệu quả! ảnh 1

Hệ thống cống của dự án Ô Môn-Xà No chưa hoàn chỉnh.

Tiểu dự án Ô Môn – Xà No có tổng diện tích tự nhiên là 45.430ha, trải khắp TP Cần Thơ (22.450ha), Hậu Giang (12.826 ha) và Kiên Giang (10.154ha), được Thủ tướng phê duyệt ngày 21-1-1999 bằng Quyết định số 65/QĐ-TTg. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới, vốn đối ứng Trung ương và vốn huy động đóng góp trong dân; chủ đầu tư là Bộ NN-PTNT.

Dự án này được xác định có 5 nhiệm vụ cơ bản: Kiểm soát lũ cả năm cho vùng dự án với diện tích đất tự nhiên 45.430ha, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho 3 vụ ổn định, bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái và hạ tầng cơ sở; xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, xổ phèn, ngăn mặn, lấy phù sa cải tạo diện tích đất nông nghiệp 38.800ha; cấp nước sinh hoạt và cung cấp nước sạch nông thôn; cải tạo môi trường sinh thái; kết hợp giao thông thủy, bộ và tạo nền dân cư.

Tiểu dự án Ô Môn–Xà No được bao quanh bởi 3 tuyến đê kết hợp đường giao thông nông thôn, gồm 3 tuyến: Tắc Ông Thục, Ô Môn và Xà No. Ngoài ra còn xây dựng hệ thống cống (cấp 1, cấp 2) để kiểm soát lũ tại đầu kinh rạch nhỏ giáp với sông lớn.

Phương án duyệt ban đầu của Bộ NN-PTNT năm 2000 có tổng mức đầu tư gần 264 tỷ đồng, thực hiện 5 năm (1999-2004). Năm 2003, Bộ NN-PTNT ra quyết định điều chỉnh lần 1, tổng mức đầu tư hơn 536 tỷ đồng và thời gian thực hiện 1999-2007. Tháng 5-2007, Bộ NN-PTNT tiếp tục điều chỉnh lần 2, mức đầu tư vọt lên hơn 642 tỷ đồng. Chưa dừng lại, tháng 10-2007, Bộ NN-PTNT lại tiếp tục điều chỉnh lần 3, tổng mức đầu tư còn 598,5 tỷ đồng…!

Thêm 1.200 tỷ đồng mới phát huy hiệu quả?!

Đến nay đã hết hạn thi công gần 1 năm nhưng dự án kiểm soát lũ (chống lũ khép kín) Ô Môn – Xà No vẫn còn nham nhở và chưa phát huy hiệu quả gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án. Mới đây, Ban Quản lý Đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (thuộc Bộ NN-PTNT) có cuộc làm việc với Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang về việc thực hiện cái gọi là “giai đoạn 2” của tiểu dự án này.

Theo báo cáo, “giai đoạn 1” của tiểu dự án này đã được đổ vào khoảng 500 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện hoàn chỉnh. Các tuyến đê bao chưa khép kín, một số cống trên tuyến đê chưa xây dựng, hệ thống kênh mương trong đê (trong đó có các kênh cấp 1 và cấp 2) chưa được nạo vét. Vì thế, hệ thống thủy lợi này chưa phát huy hiệu quả trong ngăn lũ và cung cấp nước sản xuất trong mùa khô.

Càng thật bất ngờ, theo tính toán của đại diện chủ đầu tư, tiểu dự án cần phải được rót thêm khoảng 1.200 tỷ đồng để xây dựng 99 cống và nạo vét 134 kênh cấp 1 và cấp 2 mới phát huy hiệu quả. Do cần nguồn vốn lớn nên chủ đầu tư và đại diện lãnh đạo 3 địa phương có dự án đi qua thống nhất phương án phân kỳ đầu tư. Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ đầu tư khoảng 600 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống đê bao, các cống và nạo vét 50% số kênh thủy lợi. Số kênh thủy lợi sẽ được đầu tư nạo vét sau bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2.

Tuy nhiên, các bên không đưa ra được mốc thời gian thực hiện giai đoạn 2 của tiểu dự án này nên chưa biết khi nào mới phát huy hiệu quả!

Đây là công trình kiểm soát lũ khép kín nhưng nhiều đoạn đê, cống làm chưa xong nên chưa phát huy hiệu quả. Công trình thi công chậm trễ kéo dài so với thời điểm phải hoàn thành. Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án đã bộc lộ nhiều hạn chế: Chủ đầu tư liên tục điều chỉnh các hạng mục công trình chứng tỏ việc khảo sát, thiết kế ban đầu chưa tốt, chưa sát với thực tế. Một công trình hàng trăm tỷ đồng nhưng không có giám sát cộng đồng theo quy định của Chính phủ. Nhiều hạng mục mới làm, chưa bàn giao đã xuống cấp hư hỏng khiến người dân bức xúc…

(Trích Báo cáo giám sát
của đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ)

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục