Chiến tranh giữa các vì sao, du hành vào vũ trụ, người ngoài hành tinh… là đề tài quen thuộc của các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng hiện đại. Điều bất ngờ là những ý tưởng táo bạo này không phải mới xuất hiện mà nó đã có trong các tác phẩm cổ xưa cách đây mấy ngàn năm.
Tại liên hoan về ý tưởng Cambridge Festival of Ideas do Đại học Cambridge (Anh) tổ chức vừa kết thúc, giảng viên Justin Meggitt đã khẳng định, tác phẩm tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đầu tiên là những đoạn viết có từ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại. Tiểu thuyết gia, nhà phê bình văn học người Canada Margaret Atwood vừa ra mắt độc giả quyển sách tập hợp những bài luận dẫn chứng nguồn gốc của các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Tranh luận tiểu thuyết khoa học viễn tưởng có trước hay ý tưởng khoa học có trước vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng nhưng 5 tác phẩm được bà Margaret Atwood liệt kê phần nào giúp độc giả hình dung ra bức tranh sáng tác ở thể loại độc đáo này.
Trước tiên phải kể đến quyển True History (Sự thật lịch sử) của tác giả Lucian xứ Samosata (125-180) có kể về chuyến thám hiểm đến những vương quốc xa xôi ở Mặt trăng, Mặt trời, những hành tinh và hòn đảo xa lạ. Điều này trùng khớp đến bất ngờ với những bộ phim được sản xuất gần đây. Thứ hai là một trong những tác phẩm đồ sộ nhất của Ấn Độ, Sử thi Ramayana (khoảng thế kỷ thứ 5 TCN). Trong đó có Pushpaka Vimana, vật thể được mô tả như máy bay hiện nay, giúp đưa người Ấn Độ vào vũ trụ. Nhật Bản cũng góp vào một tác phẩm là truyền thuyết Urashima Taro (thế kỷ thứ 8). Người đánh cá Urashima Taro có một chuyến du ngoạn Long Cung có một không hai để khám phá biển sâu. Đây là tác phẩm tiêu biểu tập trung vào hành trình xuyên thời gian.
Một tác phẩm nữa không thể không nhắc đến là The Republic (Cộng hòa) của Palto, triết gia có ảnh hưởng nhất của lịch sử triết học phương Tây. Tác phẩm ra đời khoảng năm 380 TCN này viết về thế giới lý tưởng, gợi lên cảm hứng, gây ảnh hưởng đến hàng loạt tác phẩm nổi tiếng sau này như: Gulliver Phiêu lưu Ký (thế kỷ 18), Cỗ máy thời gian (thế kỷ 19). Tác phẩm cuối cùng được nhắc đến là Book of Revelation (Khải huyền của Thánh Gioan).
NHƯ QUỲNH