Văn học tuổi mới lớn

Tìm đường vào trái tim độc giả

Tìm đường vào trái tim độc giả
  • Độc giả tuổi mới lớn muốn đọc gì?

Tại cuộc hội thảo “Sáng tác văn học cho tuổi mới lớn (TML) hiện nay” vừa được tổ chức tại An Giang, câu hỏi “Độc giả muốn đọc gì?” trở thành vấn đề được quan tâm nhiều nhất. Qua hàng chục bài tham luận với rất nhiều ý kiến khác nhau, rốt cục câu hỏi này vẫn không có lời giải.

Tìm đường vào trái tim độc giả ảnh 1

Nữ sinh trường Thủ Khoa Nghĩa - Châu Đốc trình bày những vấn đề ưa thích trong tác phẩm của tuổi mới lớn tại buổi giao lưu. Ảnh: T.V.

Nhà văn Lưu Thị Lương (TPHCM) chọn con đường đi vào tâm hồn TML bằng giọng văn gần gũi, chân thật với lứa tuổi của các em nhờ kinh nhiệm từ nghề giáo của mình. Nhà văn Nguyễn Phước Thảo (Đồng Tháp) đưa vào truyện mình những tình bạn đẹp, tình yêu chân chất…

Cứ như thế, mỗi nhà văn tự tìm cho mình con đường riêng tới với độc giả TML, ai cũng có những tác phẩm có được lượng độc giả nhất định nhưng để có thể nói là đi vào được con tim bạn đọc TML thì tất cả đều phải thừa nhận rằng “có lẽ còn lâu lắm”.

Sáng tác gì để đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc TML trở thành một vấn đề bức xúc trong cuộc hội thảo. Có ý kiến cho rằng nên đa dạng đề tài để mỗi bạn đọc tự tìm cho mình một mảng ưa thích như truyện tình yêu lãng mạn, truyện học đường, xã hội hoặc có thể là viễn tưởng, truyện ma… Ý kiến khác lại đề nghị phải thâm nhập, tìm tòi vốn sống từ TML để làm chất liệu cho tác phẩm.

Trong hướng này, các cây viết đang ở TML có một vị trí quan trọng. Khuyến khích, tạo điều kiện cho những cây viết TML sáng tác được xem là một cách hay để có được những tác phẩm phù hợp với bạn đọc TML. Tuy nhiên, mọi cách trên cũng chỉ là những biện pháp tình thế trong giai đoạn văn học cho TML đang gặp khó khăn về đề tài như hiện nay.

Điều này có thể được minh chứng từ hai nhà văn: một Nguyễn Nhật Ánh rời xa nghề giáo hàng chục năm nay vẫn có những tác phẩm cuốn hút bạn đọc TML trong khi một Nguyễn Thị Thu Hà học lớp 12 lại có tác phẩm được một học sinh lớp 11 trường Thủ Khoa Nghĩa nhận xét “không phù hợp vì tình yêu quá đậm”!.

  • Sân chơi vẫn còn thiếu người

Sáng tác văn học cho TML trước đây hầu như chỉ tập trung vào mảng truyện ngắn với những tác phẩm được đăng trên các tạp chí dành cho lứa tuổi này như Áo trắng, Hoa học trò, Mực Tím… Tháng 2-2002, NXB Kim Đồng giới thiệu tủ sách Tuổi Mới Lớn (cuối năm 2005 đổi tên thành tủ sách Thiếu Niên) và đến nay, tủ sách này đã giới thiệu được gần 300 tập truyện dành cho lứa TML.

Tuy nhiên, nếu so sánh với nhu cầu của độc giả ở lứa tuổi này thì con số này còn quá ít. Đó là chưa kể một số tác giả chỉ coi đây như là bước đệm để tiến tới sáng tác các tác phẩm người lớn. Thu nhập từ sáng tác cũng không cao khiến nhiều nhà văn phải chuyển qua một nghề khác để sống.

Tất cả những điều này khiến cho mảng sáng tác văn học cho TML hiện nay thiếu đi những cây bút chuyên nghiệp, thiếu đi những tác phẩm được tác giả toàn tâm toàn ý để có được những trang viết phù hợp, được bạn đọc quan tâm. 

LÊ TƯỜNG VÂN

Tin cùng chuyên mục