Tìm giải pháp “giải cứu” Bệnh viện Tâm thần TPHCM

Cơ sở vật chất xuống cấp, bệnh nhân không muốn đến điều trị; cán bộ, nhân viên y tế phải làm việc trong môi trường chật hẹp, thiếu thốn; thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế thấp... Đó là những thực trạng mà Bệnh viện (BV) Tâm thần TPHCM nêu ra trong buổi làm việc với Thường trực HĐND TPHCM sáng 19-1.


Buổi làm việc còn có ông Phạm Đức Hải - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM, đại diện thành viên Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP...

Tìm giải pháp “giải cứu” Bệnh viện Tâm thần TPHCM ảnh 1 BS Nguyễn Đăng Khoa - Giám đốc BV nếu thực trạng sụt lún của khu hành chính cơ sở Lê Minh Xuân với lãnh đạo HĐND TPHCM

Cơ sở ọp ẹp, xuống cấp 

 BV Tâm thần TPHCM hiện có 3 cơ sở. Cơ sở chính tại số 766 Võ Văn Kiệt (quận 5), cơ sở 2 - chuyên khám về tâm thần nhi, số 165B Phan Đăng Lưu ( quận Phú Nhuận) và cơ sở nội trú tại ấp 6, xã Lê Minh Xuân (Bình Chánh) đều không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân, do cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp nghiêm trọng...

Xuống cấp nhiêm trọng nhất là cơ sở nội trú Lê Minh Xuân (khoảng 25.000m2), gồm 5 khu nội trú và 1 khu hành chính. Khu nội trú là những dãy nhà cấp 4 cũ kỹ, tận dụng lại từ BV Đa khoa khu vực Bình Chánh được bàn giao cho BV Tâm thần TPHCM năm 1984. Theo dự kiến, mỗi khu nội trú tiếp nhận 50 người bệnh, có phòng ăn, phòng vui chơi nhưng do quá tải nên hiện tại mỗi khu nội trú có khoảng 100 người bệnh.

BS Nguyễn Đăng Khoa – Giám đốc BV Tâm thần TPHCM cho biết thêm, mỗi năm BV tăng thêm 10%-15% số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Riêng năm 2020, tổng số lượt người tới khám và điều trị tại BV trên 270.000 lượt, số bệnh nhân điều trị thường xuyên là 5.376 lượt, số bệnh nhân mà BV Tâm thần TPHCM quản lý gần 11.000 lượt. Dù lượng bệnh nhân tăng cao nhưng thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ lại tăng không đáng kể, trong khi nguồn ngân sách nhà nước lại có hạn khiến đời sống của cán bộ, nhân viên ở đây càng khó khăn hơn.

Tìm giải pháp “giải cứu” Bệnh viện Tâm thần TPHCM ảnh 2 Từng mảng trần bê tông tại khu nội trú  Lê Minh Xuân bong tróc, lòi thép hoen gỉ
Tìm giải pháp “giải cứu” Bệnh viện Tâm thần TPHCM ảnh 3 Tường, cột tại các khu hành lang nội trú cơ sở Lê Minh Xuân xuống cấp nghiêm trọng

Bác sĩ Nguyễn Đăng Khoa kiến nghị, TPHCM cần nhanh chóng phê duyệt cho BV được nâng cấp cơ sở Võ Văn Kiệt lên 5 tầng; cải tạo, sửa chữa cơ sở Lê Minh Xuân có khả năng tiếp nhận, điều trị nội trú 700 bệnh nhân; tăng cường tuyển dụng thêm 750 nhân lực, đồng thời tạo cơ chế để BV được thực hiện thêm một số chế độ phụ cấp đặc thù riêng cho người lao động, cụ thể được tăng mức trợ cấp độc hại lây nhiễm cao từ 220.000 đồng/người/tháng lên 500.000 đồng/người/tháng.

Chất lượng công trình... "có vấn đề"!

Khu hành chính (cơ sở Lê Minh Xuân) được xây mới và đưa vào sử dụng năm 2007 với tổng mức đầu tư 39 tỷ đồng. Chủ đầu tư (Sở Y tế TP) đã thanh thoán cho đơn vị thi công - Công ty Hà Đô trên 31 tỷ đồng. Sử dụng một thời gian ngắn, những dãy hành lang đã có biểu hiện sụt lún, sâu khoảng 20cm, từng mảng gạch men bị vỡ nát. Nhiều mảng tường và cột xuất hiện vết nứt dài...

BV tổng hợp quyết toán dự án, gửi hồ sơ trình Sở Tài chính TP phê duyệt quyết toán. Tuy nhiên, trong thông báo quyết toán, dự án có nhiều hạng mục bị cắt giảm do phát sinh so với dự án được duyệt. Tiếp tục sửa chữa, cải tạo với tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 3,4 tỉ đồng. Trong thời gian triển khai gói thầu tiếp theo do không có hồ sơ nào đạt yêu cầu nên năm 2009 Sở Xây dựng TP ra quyết định hủy kết quả đấu thầu.

Tìm giải pháp “giải cứu” Bệnh viện Tâm thần TPHCM ảnh 4 Khu hành chính được đầu tư 39 tỷ đồng chưa được nghiệm thu đã xuống cấp nghiêm trọng

Ông Lê Văn Dũng – Phó Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP cho rằng, khi công trình chưa được nghiệm thu, chủ đầu tư đã thanh toán khoản tiền trên 31 tỷ đồng cho đơn vị thầu thi công là không đúng quy định, cùng với đó là nhiều hạng mục công trình xuống cấp, hạng mục bị cắt giảm… nên việc Sở Tài chính và Sở Xây dựng không đồng thuận là có cơ sở. “Vấn đề ở đây không phải các sở, ngành gây khó mà nói thẳng ra, chất lượng công trình có vấn đề nên mới kéo dài hơn 10 năm qua” – ông Dũng nhấn mạnh.

 

“Đây là một công trình điển hình về công tác quản lý, sử dụng gặp nhiều bất cập. Trong khi đội ngũ y, bác sĩ là những người tận hiến cho người bệnh, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn… và đến lúc này vẫn không có giải pháp tháo gỡ từ các sở, ngành liên quan”, ông Tăng Hữu Phong, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TPHCM đau đáu, đồng thời đề nghị, Sở Y tế TP cùng BV Tâm thần TPHCM phối hợp Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để trình UBND TP.

Ông Tăng Hữu Phong kết luận: “Tôi thấy bản thân có lỗi trong việc này. Hi vọng chúng ta cùng nhau bắt tay, tháo gỡ các vướng mắc để cơ sở Lê Minh Xuân được sửa chữa và hoàn thành trước ngày 30-6".

Trước đó, ngày 22-12-2020, Sài Gòn Giải Phóng có đăng bài viết “Bệnh viện Tâm thần TPHCM mòn mỏi chờ “giải cứu”. Sau khi đăng, Sở Y tế TPHCM có Văn bản số 7431/SYT-KHTC do Phó Giám đốc Nguyễn Hoài Nam ký đề nghị BV Tâm thần TPHCM nghiên cứu, thực hiện quy định về việc lập, thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn, vốn hàng năm từ nguồn thu hợp pháp. 

Đồng thời, Sở Y tế TPHCM cũng đã chấp thuận đề xuất của BV là dùng 2 tỷ đồng từ quỹ hoạt động phát triển sự nghiệp của BV để sửa chữa, cải tạo trước. Thời hạn hoàn thành trước Tết dương lịch 2021. Tuy nhiên, đến nay (19-1), cơ sở Lê Minh Xuân vẫn chưa được tiến hành sửa chữa.

Tin cùng chuyên mục