Diễn đàn văn hóa

Tìm hướng đi tích cực cho điện ảnh Việt Nam

Nếu để cạnh tranh, chúng ta chưa đủ sức so với phim nước ngoài, bởi họ có quá nhiều điều kiện thuận lợi. Một nền điện ảnh tiên tiến luôn có dây chuyền công nghiệp khép kín gồm tổ hợp viết kịch bản theo phân đoạn, nhà sản xuất, người phát hành kiêm quảng cáo, người đối ngoại thương thảo mua bán bản quyền… để có thể vận hành đều đặn. Họ còn có những phim được đầu tư nguồn vốn khổng lồ. Ở nước ta, nhà sản xuất phải gom đủ các mối lo, như một người buôn bán lẻ giữa chợ rất vất vả, chưa lường được lời lỗ, kể cả phim đạt chất lượng về chuyên môn, nghệ thuật. Khi đã có phim, việc phát hành vẫn là thử thách cam go cho các hãng phim hiện nay.

Đã đến lúc chúng ta cần có quan niệm (giống với thế giới) về những bộ phim thành công bằng cách căn cứ vào số khán giả đến rạp. Bởi vì, phim không thể gọi là thành công khi đem chiếu thì rạp vắng hoe. Như thế, phải chăng những phim nghệ thuật ở nước ta hiện tại chưa đáp ứng được tiêu chí “ăn khách”. Đây chính là mâu thuẫn cần giải quyết. Nhìn ra nước ngoài, phim nghệ thuật đoạt giải cao vẫn ăn khách khi trình chiếu, có lợi nhuận cao. Như ở Trung Quốc có “Bá Vương biệt Cơ”, “Ngọa Hổ tàng Long”, “Thập diện mai phục”… sau khi tung hoành ở các liên hoan quốc tế, đều kín rạp. Hoặc ở Mỹ, phim “Chúa tể những chiếc nhẫn” (phần 3) của hãng New Line thu trên 1 tỷ USD, đứng thứ hai sau “Titanic” đạt doanh thu 1,8 tỷ USD (tính trên toàn cầu).

Tất nhiên phải nhìn kỹ lại, các nước cũng không ít sản phẩm vừa khai sinh đã hạ màn, nhưng vì họ quá nhiều phim, chỉ còn lại tên tuổi lẫy lừng những phim xuất sắc. Nhưng so sánh để nhận ra khâu then chốt chính là ở cách thức quảng bá của họ. Như vậy, chưa hẳn phim của ta yếu kém toàn diện, nhưng khâu tuyên truyền quảng cáo chúng ta làm quá tệ. Muốn vậy, phải có những đơn vị, công ty chuyên nghiệp đi chào hàng theo phong cách nhà nghề.

Có phim rất thành công như “Mùa len trâu”: giải đặc biệt của Ban giám khảo trẻ Liên hoan phim Locarno (Thụy Sĩ tháng 8-2004), giải đặc biệt hạng nhất của giám khảo quốc tế tại LHP Amazonas (Brazil 12-2004), giải thưởng lớn tại LHP Amiens (Pháp 11-2004)… và nhiều phim khác có giải liên hoan quốc tế, là ấn tượng đẹp của điện ảnh Việt Nam trong mắt bè bạn. Tuy nhiên, phim vẫn chưa cuốn hút người xem trong nước, chẳng qua vì… nhiều người không biết chiếu ở đâu và lúc nào?! Cho nên, làm phim đã khó, giới thiệu, quảng cáo bài bản hệ thống lại càng khó hơn.

Điện ảnh Việt Nam có thế mạnh riêng là luôn gắn liền nhiều thời kỳ phát triển sôi động của lịch sử dân tộc. Chỉ phản ánh thực tế cuộc sống thôi đã có nhiều dữ liệu hấp dẫn. Như thời kỳ kháng chiến, ta có nhiều phim chiến tranh đặc sắc. Khi hòa bình thống nhất, có phim hậu chiến xây dựng chính quyền, làm kinh tế mới, chống gián điệp phá hoại. Và dĩ nhiên hiện nay, đất nước đổi mới, rất cần có phim truyện hiện đại, phả vào nó hơi thở nhịp sống đa diện cùng tâm tư ước vọng thời hội nhập.

Một yếu tố quan trọng khác, điều kiện hiện nay cho phép thay đổi triệt để cách làm cũ. Cụ thể là: cần mời gọi đầu tư xây dựng phim trường tiêu chuẩn quốc tế, hợp tác đầu tư vốn lớn làm phim truyện đa dạng đề tài, mời diễn viên, đạo diễn tên tuổi của nhiều nước cùng tham gia. Cần huy động đội ngũ viết kịch bản và biên kịch hùng hậu, không thể chỉ đặt hàng “dồn” lên vai một vài người. Cần quảng bá phim Việt Nam mạnh hơn trong khu vực, có thể “xuất siêu” phim Việt (từng đoạt giải) để tạo tiếng vang thông qua hệ thống phát hành quốc tế. Đã có vài hãng tiến hành phương thức này như hãng Chánh Phương, Thiên Ngân và thu được kết quả khả quan.

Tham gia Diễn đàn văn hóa xin gửi về Báo SGGP, 438 Nguyễn Thị Minh Khai Q3 - hay email: ngulongsggp@yahoo.com.vn

Ngoài ra, cần quan tâm những bộ phim “vắng khách”, đa số dính dáng chuyện tài trợ. Điều đáng nói là sự tỷ lệ nghịch giữa tài trợ với chất lượng phim, liên quan đến lãng phí, thậm chí thiếu minh bạch. Phim được Nhà nước tài trợ có lúc hàng chục tỷ đồng, phục vụ rất ít người xem, quá tốn kém. Theo chúng tôi, chỉ nên tài trợ những phim về truyền thống phong tục bản sắc Việt Nam thể loại tài liệu, chính sử và dùng lưu trữ. Loại phim này không chỉ phục vụ trong nước mà còn phải được Nhà nước xem như món quà văn hóa, trao tặng du khách bốn phương khi tới Việt Nam. Điện ảnh sẽ giúp chuyển hóa tích cực cách nhìn của bè bạn với nước ta và sẽ làm tăng thêm khả năng hợp tác, làm cầu nối cho việc mời gọi đầu tư nhiều lĩnh vực khác vào Việt Nam trong hiện tại và tương lai.

Liên Hùng
(Quận 9 – TPHCM)

Tin cùng chuyên mục