Tin ảo, tác hại thật

Mạng xã hội ra đời và phát triển đã tác động lớn đến đời sống xã hội, cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tin giả, tin vịt, tin chưa kiểm chứng. 

Bởi cũng giống như đời thực, người dùng mạng xã hội ngày càng đa dạng, có người tốt - người xấu, người nhân hậu - người nghiệt ngã và độc ác, người điềm đạm - người hung hăng, người ứng xử có văn hóa - người thích chửi bới và vu cáo. Do vậy, trên mạng xã hội cũng xuất hiện không ít yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng và an ninh trật tự.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền rất nhanh thông tin một thầy giáo ở tỉnh Hà Tĩnh làm một nữ sinh lớp 8 có bầu. Thông tin này được rất nhiều người chia sẻ, bình luận, dè bỉu. Sau khi xác minh sự việc, Ban giám hiệu nhà trường, Phòng GD-ĐT huyện và Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh chính thức công bố khẳng định đó là tin đồn thất thiệt, chỉ là do một đối tượng lập tài khoản Facebook ảo để đăng status tung tin bịa đặt, xúc phạm danh dự thầy giáo và nữ sinh này. Không thể nào kể hết những tin vịt đã lan truyền trên mạng đánh vào cảm xúc bồng bột của người xem, để hại người, hay có mưu đồ gì đó.

Lâu nay đã có rất nhiều tin vịt cảnh báo về hoạt động tội phạm bắt cóc trẻ em, với những hình ảnh kẻ bắt cóc, và thông tin địa chỉ xảy ra những vụ bắt cóc rất cụ thể, khiến dư luận hoang mang, chia sẻ thông tin để cảnh giác. Nhưng qua điều tra xác minh thì chỉ là tin bịa đặt. Đã có những người vô tội bị đánh hội đồng oan ức, bị đốt cháy xe vì bị tung tin bịa đặt là kẻ bắt cóc trẻ em. Cũng có không ít tin vịt giật gân rẻ tiền chỉ để câu like mà cũng lừa được nhiều người, như: “Cô hàng nước lấy nước rửa chân làm trà đá bán”; “2 nữ sinh bắt cóc cưỡng hiếp thanh niên cho đến chết”... Thậm chí có những tin vịt bịa đặt vụng về lại được báo mạng khai thác từ Facebook để đăng lại mà không kiểm chứng, thí dụ như: “Một nghệ sĩ Việt Nam được vinh danh trên Đại lộ Danh vọng Hollywood”; “Dàn siêu xe nằm dưới tầng hầm của một chung cư mang biển số xanh giả”...

Tin vịt được tung ra từ những người thích bịa chuyện. Họ khai thác những chuyện luận bàn ở quán cà phê vỉa hè, để viết những status đưa lên Facebook những thông tin nóng hổi hoặc bình luận chuyện thế sự, không ngại bịa đặt bóp méo sự thật, dựng chuyện, để câu view, để thỏa lòng tự tôn, thể hiện cái tôi hay “sự giỏi giang” chưa có chỗ thể hiện ngoài đời thực. Thông tin bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội diễn ra ngày một nhiều, theo tâm lý đám đông, không phân biệt ranh giới giữa phản biện và nói xấu, phát ngôn mang tính chất thù ghét, bôi nhọ người khác. Nhiều người tưởng rằng chỉ việc lập một Facebook ảo là đã có thể “bịt mặt” để tùy tiện tung tin bịa đặt trên mạng xã hội, mà không hiểu rằng công tác an ninh mạng hiện nay không khó truy ra địa chỉ phát tán các trang mạng có thông tin vi phạm pháp luật. Luật An ninh mạng đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, quy định rõ các chế tài đối với hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Người dùng mạng xã hội nên có thái độ đúng đắn và có trách nhiệm xã hội mỗi khi phát ngôn; không tiếp tay phát tán các thông tin từ các nguồn chưa được kiểm chứng; cần ý thức rằng việc bịa chuyện hại người hoặc dựng chuyện nói xấu người khác không chỉ là hành vi thiếu văn hóa và “gieo khẩu nghiệp” phải tuyệt đối tránh, mà cũng là hành vi gây nhiễu loạn xã hội và vi phạm pháp luật. Trong bối cảnh tin giả, tin vịt đang tràn lan trên mạng, người dùng mạng xã hội nên cảnh giác, tỉnh táo phân biệt khi tiếp nhận thông tin. Để không phải thành người nhẹ dạ mắc lừa vì tin vịt, cần có tư duy phản biện để phân tích, lập luận một cách rõ ràng, logic, xem xét tính chính xác của sự việc, biết cách nhìn vấn đề từ nhiều góc độ để đưa ra các kết luận hợp lý. Không nên vội vàng tin và chia sẻ thông tin từ những nguồn không đủ tin cậy. Các cơ quan báo chí càng phải thận trọng xem xét tính chính xác của sự việc, khi khai thác thông tin trên mạng cần phải hết sức chú trọng kiểm chứng thông tin, không để tin vịt xuất hiện trên báo chí.

                                                  --------------------------------------------
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Chủ tịch Hãng luật Giải phóng (TPHCM):

Chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng là vi phạm pháp luật


Liên quan tới vụ cô giáo ở Bình Thuận về việc bị chồng bắt quả tang tại nhà nghỉ với học sinh là do chồng dàn dựng, bắt ép nhận ngoại tình, tôi cho rằng, không khó để xác minh lời trần tình từ cô là nhờ học trò chở đi xem phòng trọ đúng hay sai. Bởi vì, hoàn toàn có thể có thông tin xác thực từ khách sạn có liên quan. Việc có phải cậu học sinh chở cô đi xem phòng trọ hay không cũng xác minh không khó. Nếu như người chồng dàn dựng bắt quả tang thì cũng chỉ cần trích xuất camera khu phòng trọ, lấy lời khai từ người chủ phòng trọ là rõ ràng.

Điều tôi thậm chí lo ngại hơn chính là cho em học sinh có tên T.C.M. Quyền nhân thân của công dân, không phân biệt người thành niên hay chưa thành niên được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp này là “Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín” và “Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Nếu có cơ sở xác định các cá nhân liên quan (như nam học sinh) bị người khác xâm phạm các quyền này thì họ có quyền yêu cầu pháp luật bảo vệ. Nếu có thiệt hại do những hành vi đó gây ra thì có quyền yêu cầu đòi bồi thường. Mặt khác, những người thực hiện các hành vi trên, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Nói thêm về những hành vi, phản ứng của nhiều người trên mạng xã hội, tôi khẳng định, hành vi chia sẻ những thông tin có ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác luôn bị nghiêm cấm theo pháp luật dân sự, kể cả khi chưa có Luật An ninh mạng. Với người sử dụng mạng xã hội nói chung, đừng để cảm xúc đám đông chi phối và không bao giờ chia sẻ rộng rãi những thông tin chưa kiểm chứng. Các “nạn nhân”, nếu bị oan, cần kịp thời trình báo với cơ quan công an và những cơ quan báo chí đáng tin cậy để kịp thời ngăn chặn thông tin sai lệch lan truyền. Và tất nhiên, có thể tìm đến các chuyên gia pháp lý để nhận được những lời khuyên hữu ích.
ANH THƯ ghi

Tin cùng chuyên mục