Trên chuyến tàu Titan 960 chở chúng tôi ra thăm chiến sĩ đang công tác tại các đảo Trường Sa nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, có hai người mẹ có con đang làm nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn. Hành trang mang theo ra thăm con, ngoài tình yêu của người mẹ, còn có cả tấm lòng của người hậu phương đến với các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc.
Hậu phương vững chắc
Sau buổi cơm chiều, chính trị viên tàu 960 thông báo sớm ngày mai tàu sẽ đến đảo Trường Sa Lớn. Các thành viên trong đoàn công tác nôn nao, chờ đợi. 10 giờ đêm, tôi ghé qua phòng 5, nơi có hai bà mẹ là gương điển hình được chọn ra thăm con. Giờ này mà hai mẹ vẫn còn thao thức. Cô Phan Thị Sáu (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, mình đã mất ngủ từ đêm hôm trước vì trông ngóng được gặp con. Cô Sáu có hai người con, anh Lê Đức Hải (sinh năm 1985) hiện là trung úy công tác trên đảo Trường Sa Lớn và con trai nhỏ đang là công an. Cô Sáu và chồng đều là bộ đội Hải quân nay đã về hưu nên cô rất tự hào khi con mình lên đường ra đảo nhận nhiệm vụ. Cô Sáu tâm sự rằng, nhiều đêm cô khóc thầm vì nhớ con. Nhưng cô hiểu con mình đang cống hiến sức trẻ cho đất nước, đó là nhiệm vụ thiêng liêng nên cô cất nỗi nhớ vào lòng để con vững niềm tin công tác.
Chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa Lớn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Giữa căn phòng nhỏ tôi nhìn thấy các túi quà được hai người mẹ gói ghém cẩn thận để sáng mai mang lên đảo. Cô Sáu nói vì con thích ăn vặt nên cô chuẩn bị nhiều quà bánh cho con. Ngoài ra, cô còn mang giúp quà của một vài bà mẹ gởi ra cho con mình. Riêng cô Lê Thị Ánh Mai (ngụ quận Tân Phú, TPHCM), mẹ chiến sĩ Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1992) đến khi đặt chân lên tàu tham gia chuyến hải trình đi thăm con, cô còn không tin là sự thật. “Tôi rất bất ngờ và hạnh phúc vì mình được chọn ra thăm con dịp này. Xa con, tôi rất nhớ, rất buồn. Nhưng tôi xác định con đi vì Tổ quốc và để con trưởng thành hơn. Đi được vài tháng, con điện thoại về nói đã hòa nhập được cùng mọi người và thích cuộc sống nơi đảo xa, tôi mừng lắm! ”, cô Mai chia sẻ. Cô bảo rằng ngày mai gặp con cô sẽ không khóc để con an tâm công tác, bởi cô hiểu mình phải là hậu phương vững chắc cho con. Miệng nói thế, nhưng khi kể rằng Kiên rất ngoan, biết nghe lời và thương ba mẹ. Tết nào cũng phụ mẹ làm củ kiệu đi bán, khi ra đảo, Kiên điện thoại về nói không có con, mẹ làm ít kẻo ngồi đau lưng, nước mắt cô Mai lại chảy dài.
Niềm tin
Cứ ngỡ khi gặp con hai người mẹ ấy sẽ khóc thật nhiều. Thế nhưng chỉ có những cái ôm con vào lòng thật chặt, hôn lên mái tóc đầy mùi nắng biển, lên đôi má sạm đen vì nắng cháy thay cho bao lời nói nhớ thương con. Hai mẹ không khóc, nhưng những người xung quanh lại rơi nước mắt. Cô Mai tâm sự: “Mình khóc sẽ làm con mủi lòng. Được ra thăm con, thấy con mạnh khỏe, trưởng thành đó là niềm vui của người làm mẹ”. Còn cô Sáu, khi nhìn thấy con rám nắng, cứng cỏi và trưởng thành hơn cô đã quay đi để lau vội nước mắt. Cô nói, mình khóc vì vui mừng.
Gương mặt rạng rỡ với nụ cười tươi rói, Đức Hải cho biết mình được chọn ra đảo để bảo vệ biển trời Tổ quốc là niềm tự hào cũng như vinh dự của bản thân. Đây là lần thứ hai Đức Hải ra đảo công tác nên anh đã quen với cuộc sống nơi này. Anh nói đảo cũng như đất liền, tình cảm người hậu phương luôn dành cho lính đảo nên anh chưa từng thấy Trường Sa và đất liền xa nhau. Riêng hôm nay được gặp mẹ, lại gần đến kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đức Hải càng thấy đất liền gần hơn. Anh bảo, sẽ luôn nhớ những lời động viên của mẹ và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Là chàng trai ít nói, khi gặp mẹ, chiến sĩ Nguyễn Trung Kiên chỉ biết nắm tay mẹ và cười. Trong niềm vui ấy, Kiên cho biết: “Được mẹ ra thăm là niềm vui lớn, giúp em thêm động lực phấn đấu, học tập và cống hiến”. Để mẹ an tâm về sự trưởng thành của mình, chàng trai 9X đã đưa mẹ đi thăm nơi mình ở, nơi mình đứng gác, thăm vườn rau, chuồng gà, vịt mà mình tăng gia sản xuất.
Với tình yêu biển đảo, Kiên hiểu rằng để có được chủ quyền như ngày nay, bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu và nằm xuống nơi này. Là thế hệ tiếp quản, Kiên xác định mình phải noi gương người đi trước, không ngại hy sinh để bảo vệ biển trời Tổ quốc. Trước khi ra đảo công tác, Trung Kiên đã học dược sĩ nên nguyện vọng của Kiên là sau này được làm một y sĩ phục vụ trên biển đảo.
Trong buổi gặp gỡ các chiến sĩ quê TPHCM đang công tác trên đảo Trường Sa Lớn, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết nhân dân TPHCM luôn yêu quý, tin tưởng và sát cánh cùng các chiến sĩ trên đảo xa; mong các đồng chí cố gắng phấn đấu, vững vàng tay súng để xứng đáng với niềm tin đó.
|
THÁI PHƯƠNG