Tổ chức Hội thảo khoa học 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển

Sáng 12-10, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và thành phố Hải Phòng tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.
Tổ chức Hội thảo khoa học 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển ảnh 1 Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: TRẦN BÌNH
Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng được tổ chức nhằm kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Hội thảo diễn ra ngày 19-10 và được tổ chức tại thành phố Hải Phòng, nơi xuất phát của tuyến Đường Hồ Chí Minh trên biển và trực tuyến tới 25 điểm cầu trên cả nước.
Với chủ đề “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, hội thảo khẳng định và làm rõ chủ trương xây dựng tuyến chi viện chiến lược, Đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển, là thành công lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm vận dụng vào phát triển lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại và trong huấn luyện đào tạo cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam; tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy và bồi đắp tinh thần yêu nước của quân và dân cả nước.
Hội thảo cũng nhằm tôn vinh, tri ân những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã làm nên trang sử oanh liệt của dân tộc; khẳng định tinh thần yêu nước, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào – Campuchia trong công cuộc chống kẻ thù chung.

Ngày 23-10-1961, trước diễn biến và yêu cầu của tình hình cách mạng ở miền Nam, Đảng đã quyết định mở Đường Hồ Chí Minh trên biển để chi viện cho chiến trường. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam trở thành “con đường huyền thoại”, kỳ tích thế kỷ XX; trở thành biểu hiện sáng ngời của tinh thần cách mạng kiên cường, truyền thống anh hùng, sáng tạo và tình đoàn kết quốc tế chống kẻ thù chung của nhân dân ba nước Đông Dương; nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, để đi đến thắng lợi cuối cùng thống nhất đất nước.

Tại cuộc họp báo, Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) cho biết, các tham luận, ý kiến tham gia hội thảo của các nhà khoa học, tướng lĩnh quân đội, nhân chứng lịch sử một lần nữa khẳng định đường lối, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và đúng đắn của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xây dựng tuyến vận tải quân sự - Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Cùng với đó là việc tổ chức hiệu quả tuyến đường này của Quân chủng Hải quân; Quân khu 3; cán bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng. Trong khuôn khổ hội thảo tại Hải Phòng, sẽ diễn ra Lễ dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Bến K15, điểm xuất phát Đường Hồ Chí Minh trên biển (thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng).
Tổ chức Hội thảo khoa học 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển ảnh 2  Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn trao đổi với các phóng viên tại cuộc họp báo. Ảnh: TRẦN BÌNH
Đến nay, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 82 bài tham luận và 6 ý kiến nhân chứng lịch sử. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam là đơn vị đầu mối tổ chức tổng hợp, biên soạn nội dung chính hội thảo. Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, so với hội thảo khoa học nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển vào năm 2011, hội thảo dịp này có nhiều nội dung mới.
Trước hết là cách tiếp cận, chủ đề, nội dung khai thác theo chiều dọc của tuyến đường từ Bắc vào Nam. Hội thảo lần này cũng công bố thêm một số tư liệu về Đường Hồ Chí Minh trên biển được khai thác từ các nguồn tài liệu nước ngoài trong thời gian gần đây. Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu cũng cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ của Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, cả nước hiện có hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ từng tham gia “Đoàn tàu không số” còn sống.

Tin cùng chuyên mục