Tổ quốc và mẹ hiền

Tổ quốc và mẹ hiền

TPHCM vừa tổ chức lễ phong tặng và truy tặng 89 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Với những bà mẹ còn sống nhưng do tuổi cao sức yếu không thể đến dự lễ, đoàn đại biểu TP đã lặn lội đến từng nhà và vào tận giường bệnh để trao danh hiệu cao quý cho những người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu nhất.

Đoàn đại biểu TP thăm mẹ Nguyễn Thị Lan (quận 2).

Đoàn đại biểu TP thăm mẹ Nguyễn Thị Lan (quận 2).

1. Chen chúc qua dòng người đông đúc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi tìm gặp Mẹ VNAH Phạm Thị Tham, 94 tuổi, quê ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi khi mẹ đang chữa bệnh tại đây. Nhìn mẹ bình dị nằm chung giường với bệnh nhân khác, không ai biết mẹ là Mẹ VNAH.

Gặp chúng tôi, mẹ cứ lưu luyến xiết chặt tay từng người như thể gặp lại con mình. Nhận danh hiệu Bà mẹ VNAH ngay trên giường bệnh, mắt mẹ ánh lên bao buồn vui lẫn lộn. Qua giọng nói ngắt quãng của mẹ, chúng tôi được biết mẹ có 10 người con, trong đó có hai con bị bom Mỹ giết hại ngay tại hầm nhà và hai người con hy sinh trong chiến đấu.

Nhắc đến những đứa con đứt ruột đẻ ra, mẹ không ngăn được giọt nước mắt hiếm hoi còn sót lại. Cả đời mẹ khóc con đến cạn khô nước mắt nên mẹ hiểu rõ nỗi đau chiến tranh tàn khốc đến nhường nào. Hồi cuối năm 1968, chỉ cách nhau có vài ngày, mẹ liên tiếp nhận tới 2 giấy báo tử của hai con là Võ Văn Banh và Võ Văn Tành, lần lượt hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 khi các anh mới 18 - 20 tuổi.

Cho đến nay, mẹ vẫn chưa tìm thấy hài cốt các con nên lòng chưa thể bình yên. Nỗi đau mất con khiến trái tim mẹ quặn thắt nhưng mẹ không hề gục ngã mà đứng dậy tiếp tục động viên các con khác lên đường bảo vệ Tổ quốc. Những người con còn lại của mẹ, người là biệt động Sài Gòn, người là bộ đội chủ lực tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Chia tay chúng tôi, mẹ dặn dò: “Các con hãy ráng bảo vệ chủ quyền đất nước vì đó là thành quả được xây bằng máu và nước mắt của bao thế hệ đi trước”.

2. Đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lan, 91 tuổi, ngụ tại phường Bình Trưng Đông, quận 2 khi mẹ đang sống trong căn nhà cấp 4 đơn sơ. Dù đang nằm trên giường bệnh nhưng mẹ vẫn vui vẻ trò chuyện. Mẹ bảo: “Nghe tin có khách đến thăm, cả đêm qua mẹ không sao ngủ được. Người già vẫn hay cả nghĩ thế đấy…”.

Thay lời mẹ, anh Nguyễn Văn Thông, con trai còn lại của mẹ tâm sự: “Cha mẹ tôi quê gốc ở Nam Định, tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Do cùng chí hướng cách mạng nên hai người kết duyên tại vùng chiến khu Bắc Thái. Sau khi sinh hai người con, ông bà được cử sang Thái Lan hoạt động cách mạng.

Ngày đó phong trào đấu tranh yêu nước của Việt kiều ở Thái Lan khá rầm rộ, lúc nào ông bà cũng luôn có mặt…”. Năm 1952, bà tiễn chồng sang đất Lào chiến đấu, không ngờ lần đó ông ra đi mãi mãi, để lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ.

Để bảo toàn “hạt giống đỏ” của cách mạng, tổ chức đã đưa bà và các con về nước. Thế nhưng, vì mang trong mình dòng máu yêu nước của người cha, anh Nguyễn Long Sáng, con trai lớn của bà cứ nằng nặc xin mẹ đi bộ đội để tiếp bước con đường binh nghiệp của cha.

Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, anh đã cầm súng lên đường bảo vệ biên cương Tổ quốc và có mặt trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang chiến trường Campuchia chiến đấu chống bọn diệt chủng. Trong một trận đánh ác liệt, anh bị thương nặng và sau đó đã hy sinh, để lại nỗi đau không nguôi cho người mẹ ở hậu phương.

Mất chồng rồi lại mất con, mẹ tưởng như không sống nổi. Nhưng rồi mẹ nhận ra rằng có một điều còn cao hơn tất thảy, đó là Tổ quốc. Mẹ tâm sự: “Gia đình mẹ từng hoạt động cách mạng ở các nước Lào, Thái Lan và Campuchia nên rất thấm thía tình yêu quê hương đất nước. Với bất cứ người mẹ Việt Nam nhân hậu hiền lành nào thì Tổ quốc bao giờ cũng được đặt lên trên hết, vì thế những người mẹ ấy đã sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc những người thân yêu nhất của đời mình…”.

3. Chúng tôi đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tuyết, 88 tuổi, hiện ngụ tại đường Thành Thái, quận 10. Mẹ có hai con trai là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường miền Trung và chiến trường Cà Mau, mộ phần vẫn còn ở Đà Nẵng và rừng U Minh.

Hiện mẹ đang sống với con gái và cháu ngoại. Nghe mẹ cảm ơn Đảng, Nhà nước quan tâm đến những người mẹ có chồng con hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, thế hệ trẻ hôm nay càng thấy mình phải có trách nhiệm cao hơn với những người đi trước, nhất là với các bà mẹ VNAH.

Không thể kể hết tấm lòng những người Mẹ VNAH dành cho Tổ quốc, chỉ biết rằng những người mẹ nhân hậu ấy đều cùng chung tình yêu quê hương đất nước, sẵn sàng hy sinh tình riêng để xây đắp sự nghiệp chung. Để tri ân những người mẹ kiên trung bất khuất, sắp tới TPHCM tiếp tục phong tặng và truy tặng hơn 1.500 Mẹ VNAH có hai người thân là liệt sĩ.

Công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người chung sức chung lòng xây dựng đất nước giàu đẹp và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục