Tỏa sáng những vầng trăng khuyết

Vượt lên tất cả nỗi đau, mặc cảm về sự khiếm khuyết bên ngoài cơ thể, họ nỗ lực, phấn đấu làm việc từ đôi bàn tay trắng. Bằng quyết tâm và cả đam mê, họ dần vượt qua những trở ngại, khó khăn để khởi nghiệp và giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh khuyết tật.
Tỏa sáng những vầng trăng khuyết

Vượt lên tất cả nỗi đau, mặc cảm về sự khiếm khuyết bên ngoài cơ thể, họ nỗ lực, phấn đấu làm việc từ đôi bàn tay trắng. Bằng quyết tâm và cả đam mê, họ dần vượt qua những trở ngại, khó khăn để khởi nghiệp và giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh khuyết tật.

Đam mê và kiên trì

“Ban đầu em chỉ muốn làm thử, nhưng khi bắt tay vào làm thì lại thấy rất thích rồi mê lúc nào không hay. Vậy là em quyết tâm phải mở cơ sở cho bằng được”, chị Trần Thị Thúy Vy, 37 tuổi, chủ cơ sở sản xuất tranh giấy xoắn (quận 4, TPHCM) bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp của mình như vậy. Suốt buổi trò chuyện, Thúy Vy lúc thì đi đến hỗ trợ bạn khuyết tật này, lúc lại đến chỉ dẫn bạn khác để thao tác cho đúng. Thúy Vy có dáng người nhỏ bé, bước đi khập khiễng do bị tật một chân nhưng rất nhanh nhẹn, lại vui vẻ, hòa nhã và rất sẵn lòng giúp đỡ các bạn trong cơ sở sản xuất nên ai cũng quý mến.

Hồi đầu, Thúy Vy chỉ mày mò nghiên cứu về tranh giấy xoắn để thỏa sự yêu thích, nhưng rồi khi làm được bức tranh này, Vy lại tìm thấy hứng thú để làm bức tranh khác và dần dần tạo được nét riêng cho mình. Sau một thời gian phát triển, Vy nghĩ nếu chỉ một mình làm tranh thì “cũng phí”, trong khi nhiều bạn khuyết tật rất có năng khiếu về mỹ thuật. Vậy là Vy tính đến việc mở cơ sở để các bạn khuyết tật có nơi làm việc và kiếm sống. Tính là một chuyện, nhưng khi bắt tay vào làm thì phát sinh nhiều khó khăn. Được bà ngoại cho mượn địa điểm, trong tay có 2,3 triệu đồng, Thúy Vy đánh bạo mua nguyên vật liệu, nhận vài bạn khuyết tật và bắt đầu khởi nghiệp. Những khó khăn ban đầu, Vy đều nói rõ với các đồng nghiệp và nhận được sự đồng thuận.

“Có những lúc khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, nhưng nhìn các bạn luôn cố gắng cùng nhau, em lại có thêm động lực để tiếp tục”, Thúy Vy chia sẻ. Vy bảo, khó nhất vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm, vì mặt hàng của mình mới nên nhiều người chưa biết đến. Để có khách hàng, Vy và các bạn đi giới thiệu ở nhiều nơi, có lúc cả nhóm mang tranh ra ngoài đường ngồi bán và giới thiệu với mọi người. “Giờ thì nhiều người đã biết đến tranh giấy xoắn của chúng em và tìm đến đặt hàng làm quà tặng. Hàng tháng chúng em cũng có cơ hội bày bán sản phẩm một lần tại Nhà Văn hóa Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cũng giúp hỗ trợ vốn để em phát triển cơ sở, nhờ đó em có chi phí mua vật liệu và trả lương cho các bạn”, Vy nói trong niềm vui.

Tại cơ sở của Thúy Vy, 11 bạn khuyết tật đã có việc làm ổn định. Những bạn ở xa được Vy hỗ trợ nơi ăn ở tại cơ sở. Bạn nào chưa biết nghề, Vy hướng dẫn tận tình. Nói về sự thành công của mình, Vy bảo ngoài sự đam mê thì cần có sự kiên trì và cố gắng. Giờ mơ ước lớn của Vy là có thêm vốn để mở rộng cơ sở, nhận thêm nhiều bạn khuyết tật đến làm việc cùng mình.

Chị Trần Thị Thúy Vy (người đứng) khởi nghiệp thành công từ cơ sở tranh giấy xoắn với 2,3 triệu đồng

Nghị lực vươn lên

Học lấy cái nghề, cố gắng làm việc để mở cơ sở và giúp đỡ những bạn cùng hoàn cảnh cũng là mơ ước của Lê Cường Nhật, 26 tuổi, quê Đồng Nai. Sau bao cố gắng, đến nay mong ước của Nhật đã thành hiện thực khi cơ sở massage Hoàng Khang dần đi vào ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn khiếm thị. Là một người khiếm thị, ban đầu Nhật chỉ nghĩ học lấy cái nghề rồi tự nuôi sống bản thân để không còn là gánh nặng cho gia đình, nhưng sau khi học xong lớp massage tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, rồi đi làm, Nhật lại nhen nhóm ý tưởng thành lập cơ sở để làm chủ. Đêm về, Nhật cứ nghĩ mãi về việc làm sao có đủ điều kiện để lập một cơ sở massage dành cho người khiếm thị, để họ cũng có một cuộc sống tốt đẹp như mình.

Nung nấu ý tưởng cháy bỏng đó, Nhật quyết tâm dành dụm tiền làm được hàng ngày, chi tiêu tiết kiệm để thực hiện ước mơ. Năm 2010, Nhật mở cơ sở massage tại Bình Dương và nhận các bạn khuyết tật vào làm việc. Nhật cho biết, ban đầu khó khăn vô cùng, có trăm thứ để lo, Nhật và các bạn cố gắng ngày đêm, tích lũy kinh nghiệm từng chút một. Khi đó, cơ sở chỉ có 3 bạn cộng tác, lương chỉ từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/tháng. Nhưng nhờ sự đồng lòng gầy dựng cơ sở, cùng bảo nhau rèn luyện tay nghề, tận tâm với công việc, dần dần cơ sở có chiều hướng phát triển, khách đến đông dần. Nay cơ sở của Nhật đã chuyển về Đồng Nai và tạo việc làm, cuộc sống ổn định cho hơn 10 bạn khuyết tật.

Bà Hoàng Thị Khánh, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, cho biết có rất nhiều người khuyết tật nhờ quyết tâm đã khởi nghiệp thành công sau khi học nghề. Điều đáng quý ở họ là tinh thần hỗ trợ, giúp đỡ những mảnh đời cùng hoàn cảnh. Hội cũng như chính quyền TPHCM luôn tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật vươn lên làm chủ cuộc sống. “Trong mỗi người đều có ý chí, nghị lực để vươn lên. Quan trọng là ta biết nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho niềm đam mê phát triển”, bà Khánh chia sẻ.

HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục