Tóc tai liệt truyện

Dĩ nhiên nghề cắt tóc đàn ông ở Việt Nam có lịch sử chưa lâu lắm. Nó mới chỉ bắt đầu rầm rộ từ thời cụ Phan Châu Trinh đề xướng phong trào Duy Tân “cắt tóc ngắn để răng trắng” vào khoảng năm 1905.

Thư Hà Nội

Dĩ nhiên nghề cắt tóc đàn ông ở Việt Nam có lịch sử chưa lâu lắm. Nó mới chỉ bắt đầu rầm rộ từ thời cụ Phan Châu Trinh đề xướng phong trào Duy Tân “cắt tóc ngắn để răng trắng” vào khoảng năm 1905.

Ở Hà Nội có làng nghề cắt tóc nổi tiếng Kim Liên có từ thời Pháp thuộc. Những tay kéo lừng danh của làng hầu hết ra phố Cột Cờ (Điện Biên Phủ) mở hàng cắt tóc vỉa hè. Khách của họ phần lớn là công chức cả người Tây lẫn người Việt. Thợ cắt tóc cũng phải có chút vốn liếng tiếng Tây bồi để giao lưu với khách. Cái truyền thống hay chuyện của thợ cắt tóc vỉa hè ngày ấy vẫn còn được lưu truyền ở Hà Nội cho đến tận bây giờ. Muốn biết nhiều chuyện về Hà Nội không gì hơn là tán gẫu với các bác phó cạo vỉa hè. Đó là tờ “báo mạng” trước khi có internet. Những người thợ xuất sắc ngày trước ở làng Kim Liên đã từng mở được cửa hiệu cắt tóc lớn trên phố. Cửa hiệu lớn nhất là của ông Phạm Ngọc Phúc ở Hàng Bông đoạn cắt với Quán Sứ. Ngôi nhà gạch 2 tầng tráng lệ có hàng chữ Phạm Ngọc Phúc được đắp nổi bằng xi măng trước nhà vẫn là cửa hiệu cắt tóc nổi tiếng nhiều năm sau hòa bình lập lại.

Đầu những năm 60 tất cả các cửa hiệu cắt tóc đều vào hợp tác xã. Dù là tay kéo vàng hay thợ mới học nghề đều gọi là xã viên. Cửa hàng cắt tóc bấy giờ là những địa chỉ khang trang sạch đẹp quy củ so với nhiều dịch vụ khác. Thợ cắt tóc mặc áo choàng trắng. Khăn quàng phủ lên người khách trắng tinh. Những chiếc ghế quay thời Pháp còn lại được giữ gìn lau chùi sáng bóng. Bình xịt nước hoa bằng thủy tinh dày có quả bóng bóp. Máy sấy tóc hình con ốc sên lớn mạ kền sáng quắc. Dao cạo liếc tay trên những đoạn da bò xát bột ôxit đồng mát lịm. Xà phòng thơm cạo râu đựng trong đĩa cao su có chiếc chổi lông ngắn. Tông đơ bóp tay ộp oạp như ếch gặm bên thái dương. Trên tường treo khá nhiều ảnh đen trắng của các nam minh tinh màn bạc cổ điển như Alain Delon, Clark Gable, Marlon Brando, James Dean… Khách tùy theo nhiều lứa tuổi có thể chọn cho mình kiểu tóc tương tự. Thanh niên chọn kiểu đầu “đít vịt” có mái chải sóng lượn hất đuôi sau gáy. Mai bằng mai nhọn, gáy vuông gáy tròn tùy thích. Trung niên rẽ đầu ngôi lệch. Cắt “cao” hay “thấp” tùy theo yêu cầu. Nhưng gặp những ông Sáu, ông Kỳ ở hiệu Hương Giang 15 Bà Triệu thì tốt nhất không nên nói năng gì. Những tay kéo cự phách ấy còn có thể tư vấn cho khách những kiểu tóc hợp với khuôn mặt, tuổi tác.

Trẻ con lứa chúng tôi ngày ấy không thích cắt tóc ở những cửa hiệu lớn. Những ông thợ khó tính thường hay quát, và bắt chúng tôi ngồi lên tấm ván đặt trên cái ghế quay hiện đại rất tròng trành khó chịu. Cắt tóc xong ê hết cả mông. Vả lại kiểu đầu duy nhất tôi được cắt thời niên thiếu chỉ là cạo trọc cũng chẳng cần đến những dụng cụ nhiêu khê của một cửa hiệu lớn. Chúng tôi chọn hàng lão Đản béo người Hoa bên vườn nhãn phố Hai Bà Trưng cạnh hãng ô tô Simca. Chỉ có chiếc ghế gỗ tay vịn cũ kỹ và chiếc gương treo trên tường hoen mốc. Lão ấy có một chiếc tay nải đựng truyện tranh Tàu đặt cạnh hòm đồ nghề. Đứa nào cũng tranh phần cắt tóc sau để có thì giờ xem truyện. Lão Đản béo kể chuyện khá hấp dẫn bởi cái giọng lơ lớ chứ không bởi câu chuyện hay. Những chuyện bậy bạ đầu tiên trong đời tôi biết được là nghe lão kể như “Lạy cụ đề ạ” chẳng hạn. Nhưng cũng có những chuyện lão kể ngày ấy cho đến tận bây giờ vẫn chả hiểu gì. Gọt nhẵn một bên thái dương tôi, lão rề rà “Ngày xửa ngày xưa có một coong chim pủng hoàng. Ló pay từ pên Tàu sang pên A Lam…”. Húi sang đến thái dương bên kia lão tiếp “…Dồi ló lại pay về Tàu…”. Cạo mặt xong tôi chưa vội xuống khỏi ghế, ngước mắt nhìn. Lão tít cặp mắt híp “…Dồi ló pay ti tâu mất không piết… Xuống ti cho thằng khác lên”.

Lớn lên vào bộ đội, một mình tôi “quản lý đầu tóc” toàn tiểu đoàn. Cả tiểu đoàn chỉ có tiểu đoàn trưởng và tôi có thể “quát nạt” lính tráng. Tôi còn hơn ở chỗ đôi khi quát cả tiểu đoàn trưởng. Bắt ông ấy “…cúi thấp xuống!”. Nhưng riêng cái đầu của mình thì bao giờ cũng hết sức thảm hại. Có thể là xấu nhất toàn quân bởi tay kéo của thằng bạn đồng ngũ khua khoắng dưới sự chỉ dẫn của tôi không bao giờ đúng ý. Thôi thì méo tròn, lồi lõm và lợp ngói cho đến tận ngày ra quân.

Thời những năm 90 Hà Nội bung ra rất nhiều cửa hiệu cắt tóc. Con phố Quang Trung bên hông nhà thờ Saint-Mary tập trung mấy chục tay kéo nhưng cũng chỉ có vài ba người thợ vững nghề. Số còn lại do không có việc gì làm mới nghĩ ra cách “đè đầu thiên hạ”. Khách quen quanh đấy thường đến tay kéo đáng tin cậy còn khách vãng lai thường bị ôm cái đầu “ngố” một đi không trở lại. Nhưng “cái chợ” cắt tóc này tồn tại chỉ được vài năm là giải tán.

Hà Nội bây giờ rất nhiều cửa hiệu cắt tóc máy lạnh. Phần lớn những cửa hiệu cắt tóc thời trang vẫn phải trông vào các dịch vụ đi kèm. Người ta vào hiệu cắt tóc để gội đầu, nhổ râu bằng răng và massage mặt nhiều hơn. Đám thanh niên vào để nhuộm tóc vuốt keo và xén tỉa những mái đầu dị kỳ không có liên quan nhiều đến nghề cắt tóc. Người đứng tuổi không vào những chỗ ấy vì chẳng những tay nghề của thợ rất ẩm ương mà giá cả buốt đến tận chân tóc. Một lần duy nhất vào hiệu cắt tóc máy lạnh xin cắt đầu trọc, tôi bị cô thợ trẻ chân dài nguýt dài, đuổi ra không tiếp.

Sau nhiều năm để tóc dài, tóc ngắn, tôi bây giờ quay về với kiểu tóc thời niên thiếu, chống già bằng cách cắt trọc nhưng khoái nhất là vẫn được nghe chuyện tào lao của mấy bác phó cạo vỉa hè. Các bác ấy bây giờ còn nắm rõ cả tình hình ca sĩ nào đang lên đang xuống.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục