Tôn vinh ngành hàng cá tra Đồng Tháp

Tối 16-12, tại TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức khai mạc Lễ hội Cá tra lần thứ I - năm 2022, với Chủ đề Vươn ra biển lớn, nhằm ghi nhận sự đóng góp của ngành hàng cá tra trong nền kinh tế của tỉnh nói riêng và khu vực ĐBSCL nói riêng.
Lễ hội nhằm giới thiệu, tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra

Lễ hội nhằm giới thiệu, tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa khẳng định: Lễ hội nhằm giới thiệu, tôn vinh hình ảnh, sản phẩm cá tra, ngành nghề truyền thống của địa phương, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu cá tra. Tạo điều kiện doanh nghiệp, nông dân gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật và thiết bị công nghệ ứng dụng trong ngành thủy sản.

Đến tháng 11-2022, diện tích lũy kế nuôi cá tra Đồng Tháp ước đạt 2.450ha, sản lượng thu hoạch 505.000 tấn

Đến tháng 11-2022, diện tích lũy kế nuôi cá tra Đồng Tháp ước đạt 2.450ha, sản lượng thu hoạch 505.000 tấn

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, cá tra được xác định là sản phẩm quốc gia và được đưa vào chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị và kim ngạch xuất khẩu, thích ứng với biến đối khí hậu.

Hiện nay, Đồng Tháp chọn cá tra là một trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh. Sản xuất cá tra ở Đồng Tháp đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm.

Tính đến tháng 11-2022, diện tích lũy kế nuôi cá tra Đồng Tháp ước đạt 2.450ha với sản lượng thu hoạch 505.000 tấn; xuất khẩu ước đạt 270.077 tấn, kim ngạch ước đạt 847 triệu USD, đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.

Lễ hội lần này có các hoạt động trải nghiệm không gian cá tra và loài cá nói chung trong văn hóa Việt Nam và thế giới; thưởng thức biểu diễn ẩm thực, các sản phẩm đặc sắc từ cá tra; tham quan vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra. Song song đó còn có: Hội nghị tổng kết ngành cá tra Việt Nam năm 2022; Hội nghị chuỗi nuôi trồng, tiêu thụ, ký kết hợp tác; Tọa đàm của ngành Khuyến nông Việt Nam.

Những năm 1960, người dân vùng biên giới Hồng Ngự biết đến con cá tra. Bà con bắt cá tra giống tự nhiên từ sông Cửu Long rồi thuần dưỡng, chở đi bán khắp các tỉnh Tây Nam bộ.

Nhờ ứng dụng tiến bộ của khoa học, người dân Hồng Ngự đã cho sinh sản cá tra giống nhân tạo. Dù phải trải qua không ít thăng trầm nhưng nghề nuôi cá tra vẫn phát triển ở một số tỉnh ĐBSCL, nhất là Đồng Tháp và An Giang.

Đến nay, sản phẩm cá tra của Việt Nam đã có mặt ở hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục