Tôn vinh và phát huy văn hiến ngàn năm Thăng Long - Hà Nội

Một số hoạt động chính trong Tuần lễ văn hóa-thể thao kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội
Tôn vinh và phát huy văn hiến ngàn năm Thăng Long - Hà Nội

Tuần lễ văn hóa-thể thao kỷ niệm 995 năm Thăng Long – Hà Nội được nhân dân các địa phương cả nước hưởng ứng. Sau đêm khai mạc đầy ấn tượng bằng lễ hội văn hóa dân gian tối 2-10, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, TDTT sẽ diễn ra ở nhiều địa điểm trên khắp các quận, huyện Hà Nội.

Trao đổi với PV báo SGGP về ý nghĩa của các hoạt động này, ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội khẳng định: “Chúng ta có một nền văn hiến ngàn năm đa dạng, phong phú cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Vì vậy cần làm sao cho toàn dân đều có ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị tinh thần của nền văn hiến đó”...

Tôn vinh và phát huy văn hiến ngàn năm Thăng Long - Hà Nội ảnh 1

Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc.ảnh : Thanh Hà TTXVN

- PV: Thưa ông, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị đã nói rõ mục đích ý nghĩa hướng tới 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Vậy dịp 995 năm này các dự án được duyệt và đầu tư xây dựng đã triển khai đến đâu?

- Ông Phạm Quang Long: Hà Nội đã ra chỉ thị 30 và 19 nhằm đẩy nhanh thực hiện các dự án chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội 2010. Hiện nay đã hoàn thành một số dự án và đang thực hiện một số dự án còn dở dang. Ví dụ: Đền Cổ Loa là dự án lớn, đã hoàn thiện vài hạng mục, còn một số hạng mục nhỏ đang gấp rút hoàn thiện.

Dự án Hồ Văn của Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng đang gấp rút hoàn thành vì phát sinh một số hạng mục nên đến 10-10 mới hoàn thiện; Dự án xây dựng Bảo tàng Hà Nội, dự án Đền Cơ Xá, dự án Thư viện Hà Nội đều sẽ khởi công vào ngày 10-10 này. Một số dự án khác cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ và bước đầu thực hiện, tuy nhiên, chúng tôi cũng đang tập trung để hoàn thành sớm.

- Xin ông nói rõ hơn tiêu chí những hoạt động trực tiếp kỷ niệm 995 năm Thăng Long – Hà Nội?

- Chủ trương trong dịp kỷ niệm 995 năm là tiết kiệm, hiệu quả và hướng về quần chúng. Kinh phí chi cho xã hội hóa các hoạt động này lên tới hàng chục tỷ đồng. Ví dụ như các triển lãm về văn hóa vật thể, phi vật thể trưng bày trong dịp này; các lễ hội dân gian và chương trình biểu diễn của các nhà hát diễn ra trong Tuần lễ văn hóa-thể thao kỷ niệm 995 năm Thăng Long-Hà Nội; làm phim về Đức Lý Thái Tổ…

Về thể thao, ngoài giải chạy Báo Hà Nội Mới vừa tổ chức, vào ngày 6-10, Đại hội TDTT thành phố lần thứ VI cũng được khai mạc. Và một hội thảo khoa học với chủ đề “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” sẽ được tổ chức với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà sử học, văn hóa học... sẽ là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Tóm lại, tất cả các hoạt động đều xoay quanh một trục là tôn vinh nền văn hiến ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.

- Theo ông, các hoạt động kỷ niệm này có ý nghĩa ra sao trong việc đưa hình ảnh văn hóa thủ đô Hà Nội giao lưu với văn hóa thế giới?

- Vì chủ trương xã hội hóa tới toàn dân và mọi ngành, Hội Liên hiệp Hữu nghị Hòa bình sẽ tổ chức một đêm giao lưu văn hóa kỷ niệm 995 năm Thăng Long – Hà Nội vào ngày 8-10 tại Công viên Thống Nhất. Đại diện các đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội sẽ giới thiệu văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của nước họ với người Hà Nội.

Tại đây, cuộc giao lưu nhằm làm nổi bật giá trị văn hiến lâu đời của Hà Nội, một trong những thủ đô nhiều tuổi của thế giới. Trên cơ sở những ý tưởng đã có, những hoạt động được tiếp tục thực hiện, đồng thời tập trung hoàn chỉnh các dự án đang làm, chúng tôi hy vọng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vào năm 2010 sẽ diễn ra tốt đẹp với tất cả các giá trị tư tưởng văn hóa của dân tộc ta.

- Vậy trọng tâm của các hoạt động văn hóa hướng tới 1.000 năm sẽ là gì?

- Phải nói rằng trước đây chỉ nhằm vào các hoạt động biểu diễn hoặc tài trợ gắn với việc nào đó… Nhưng hiện nay tập trung vào xã hội hóa mọi lĩnh vực, trong đó trọng tâm là cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa toàn dân, chủ yếu là văn hóa ứng xử. Khi người dân ý thức tốt về xây dựng đời sống văn hóa thì việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa vật thể hay phi vật thể sẽ tự trong ý thức mỗi người.

Hơn nữa, ứng xử văn hóa tốt cũng là thể hiện phong cách sống thanh lịch của người Thăng Long. Hà Nội đã triển khai công trình KX09 của nhà nước, sẽ có hội thảo về việc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mà cụ thể là văn hóa ứng xử.

- Xin cảm ơn ông.

THỦY VÂN 

Một số hoạt động chính trong Tuần lễ văn hóa-thể thao kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội

- Ngày 4-10: Khai mạc triển lãm các tác phẩm văn học nghệ thuật của 9 hội chuyên ngành tại 45 Tràng Tiền.

- Sáng 5-10: Khánh thành công trình đền Bạch Mã.

- Ngày 6-10: Khai mạc trưng bày giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật do văn nghệ sĩ thủ đô hưởng ứng sáng tác đề tài về 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội tại 45 Tràng Tiền.

- Tối 6-10: Khai mạc Đại hội TDTT thành phố lần thứ VI tại sân vận động Hà Nội.

- Sáng 7-10: Hội thảo khoa học “Người Hà Nội thanh lịch văn minh”.

- Sáng 8-10: “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” tại Công viên Thống Nhất.

- Sáng 8-10: Khai mạc hội chợ mùa thu Hà Nội tại Trung tâm triển lãm Giảng Võ.

- Sáng 9-10: Lễ kỷ niệm 995 năm Thăng Long – Hà Nội tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô.

- Chiều và tối 9-10: Liên hoan múa rồng-lân và lễ hội rồng bay (tái hiện sự tích Thăng Long gắn với việc vua Lý Thái Tổ dời đô) tại Công viên Lý Thái Tổ và Hồ Trúc Bạch.

- Chiều 9-10: Khai mạc trưng bày thư pháp và tác phẩm văn học thời Lý-Trần tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

- Sáng 10-10: Khởi công xây dựng công trình Thư viện Hà Nội, nút giao thông Kim Liên – Ô Chợ Dừa và dự án tôn tạo Đền Cơ Xá.

- Tối 10-10: Chương trình ca nhạc “Thăng Long-Hà Nội – Trái tim hồng” và bế mạc Tuần lễ văn hóa-thể thao kỷ niệm 995 năm Thăng Long-Hà Nội.

- Ngoài ra, vào các buổi tối từ ngày 4 đến 9-10 sẽ diễn ra nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật và chiếu phim tại các điểm công cộng trên địa bàn Hà Nội.

L.Q.T.

Tin cùng chuyên mục