Theo Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và cứu nạn TPHCM, năm 2019, các sở ngành, quận huyện đã thực hiện tốt các giải pháp, phương án đưa ra, theo đó công tác phòng chống cháy rừng có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, trên địa bàn TPHCM xảy ra 17 vụ cháy thảm thực vật thân cỏ và cây phân tán với tổng diện tích 42,35ha, không xảy ra cháy rừng. Các vụ cháy đã được lực lượng tại chỗ phát hiện phối hợp cùng lực lượng chức năng chữa cháy, dập tắt kịp thời, không để cháy lan vào các khu dân cư, khu công nghiệp và các khu rừng tiếp giáp. Về phòng chống thiên tai, năm 2019, mặc dù trên địa bàn TP xảy ra 3 vụ sạt lở, 2 đợt lốc xoáy, 6 đợt triều cường, nhưng nhờ chủ động thực hiện các phương án phòng ngừa, các sự cố, tai nạn đã không gây thương vong về người.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập dẫn đến công tác phòng chống thiên tai, cháy rừng thời gian qua có lúc, có nơi chưa mang lại hiệu quả cao. Đó là tình trạng san lấp, xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn sông, kênh, rạch phổ biến nhưng chưa được xử lý kiên quyết, ảnh hưởng đến an toàn đê điều; tiến độ thực hiện một số dự án thoát nước, dự án chống sạt lở, công trình thủy lợi còn chậm do cơ quan có thẩm quyền chưa duyệt đơn giá đền bù; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thiếu về số lượng, hạn chế về công suất; công tác phối hợp, chế độ thông tin, báo cáo của địa phương, đơn vị thực hiện chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm lưu ý, những năm gần đây, thời tiết tại TPHCM và các vùng lân cận ngày càng cực đoan, hạn mặn kéo dài, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, triều cường dâng cao; các sự cố, tai nạn liên quan đến thiên tai như sạt lở, ngập úng, dông lốc… rất dễ xảy đến. Do đó, các sở ngành, quận huyện, nhất là các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và cứu nạn TP phải chủ động, sáng tạo hơn trong triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa. Các thành viên trong ban chỉ đạo cần phối hợp với các quận huyện thực hiện ngay việc rà soát, kiểm tra lại 300 điểm xung yếu, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng khi mưa bão xảy ra, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án phòng ngừa cụ thể. Các phương án phải dựa trên phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai và cứu nạn TP phải phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý hồ Dầu Tiếng có phương án xả lũ, điều tiết nước hợp lý, không để xảy ra tình trạng mùa mưa xả tràn bờ gây ngập úng, vỡ bờ bao; trong khi mùa khô lại thiếu nước, mặn xâm lấn…
Đồng chí Lê Thanh Liêm yêu cầu Sở Xây dựng TP khẩn trương khảo sát các công viên, tuyến đường trên địa bàn; nhanh chóng xử lý, mé nhánh, đốn hạ những cây xanh hư hỏng, khô cành, có nguy cơ ngã đổ. Sở VH-TT rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp lắp đặt pa nô, áp phích, cần cẩu không đúng các quy định về an toàn. Sở GTVT thắt chặt công tác quản lý an toàn tại các bến cảng, đò ngang. Sở TN-MT kiên quyết xử lý tình trạng khai thác cát, khoáng sản trái phép… Các phần việc này phải được triển khai thực hiên nghiêm chỉnh trước khi mùa mưa bắt đầu.
Đối với phòng cháy rừng, dù TPHCM đang chuyển vào mùa mưa, tuy nhiên các lực lượng chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương (quận 9 và các huyện: Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ) không được chủ quan, lơ là. Hàng tháng, hàng quý, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phải kiểm tra các tán rừng, tạo ranh ngăn lửa, xử lý các lớp thực bì khô. Đồng thời triển khai sinh động các hình thức tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng chống cháy rừng, không đốt, phá rừng.
Đồng chí Lê Thanh Liêm lưu ý Cảng vụ Hàng hải TP và Bộ đội Biên phòng TP ngoài các nhiệm vụ thường xuyên trước đây, thời gian tới cần phối hợp với ngành y tế TP tăng cường kiểm tra, thắt chặt việc nhập cảnh đối với các thuyền viên nước ngoài.