TP Thủ Đức tìm "chìa khóa" giải quyết khó khăn từ Nghị quyết 98 của Quốc hội

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của TP Thủ Đức và đề nghị phải nhận diện đúng bản chất vấn đề, tìm “chìa khóa” giải quyết khó khăn, vướng mắc từ Nghị quyết 98 của Quốc hội, chứ không đi giải quyết hiện trạng từng vấn đề.

Sáng 18-12, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức (TPHCM) nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức hội nghị lần thứ 21 (mở rộng). Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dự và phát biểu chỉ đạo.

img-e722be59eda287c9b188f37d8f1144c5-v-1161.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ngay sau khi lãnh đạo TP Thủ Đức trình bày các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và công tác dân vận. Bí thư Thành ủy TPHCM đã lắng nghe thêm các ý kiến về những khó khăn trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số và quá trình tổ chức hoạt động của các trung tâm, tổ chức hành chính mới được thành lập theo Nghị quyết 98; về công tác kiểm tra, giám sát...

Trong đó, Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức Lưu Văn Tấn báo cáo TP Thủ Đức còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc liên quan đến hạ tầng kỹ thuật. TP Thủ Đức có nhiều dự án lớn, trọng điểm không chỉ của TPHCM mà của quốc gia, cùng với đó là các dự án nhỏ của địa phương.

img-a53cf16a43cc58f7a4ab5b7550ac09af-v-5467.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Thủ Đức Bùi Văn Phúc phát biểu ý kiến về công tác kiểm tra, giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG

TP Thủ Đức có hơn 200 dự án chưa được chủ đầu tư bàn giao để quản lý đồng bộ, cũng như duy tu sửa chữa, từ đó có nhiều công trình xuống cấp. Trong đó, nhiều dự án đầu tư chưa được bàn giao dẫn đến chưa kết nối đồng bộ, các dự án này thiếu sự quản lý, vận hành và không được duy tu, sửa chữa thường xuyên dẫn đến xuống cấp.

Nhiều kênh rạch bị ô nhiễm chưa kịp xử lý, đầu tư cải tạo, sửa chữa... TP Thủ Đức cũng chưa có công viên cây xanh nào được đầu tư bài bản phục vụ người dân, phần lớn chỉ là các công viên cây xanh tự nhiên. Một số công viên thiếu sự quản lý, đầu tư duy tu, cải tạo dẫn đến hoang hóa...

img-c0c2892f5dfc4f798adf19a60185b284-v-7426.jpg
Giám đốc Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP Thủ Đức Lưu Văn Tấn báo cáo thực trạng về hạ tầng kỹ thuật của TP Thủ Đức. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi lại, Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của TP Thủ Đức. Đồng chí nhấn mạnh lại, các trung tâm, tổ chức hành chính mới được thành lập theo Nghị quyết 98 nhằm để giải quyết những vấn đề mà TP Thủ Đức đang gặp khó khăn, vướng mắc.

Theo đồng chí, vấn đề quan trọng hiện nay của TP Thủ Đức phải nhận diện đúng bản chất vấn đề để tìm “chìa khóa” giải quyết khó khăn, vướng mắc chứ không phải đi giải quyết hiện trạng từng vấn đề.

img-18343d81d7f9b758b9b3ffb81c22aa88-v-2738.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi lại với các đại biểu sau khi nghe báo cáo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM lưu ý, TP Thủ Đức phải xác định rõ mục đích cuối cùng là vì dân phục vụ. "Người dân đang cần cái gì, chúng ta phục vụ cái đó, chứ không phải chúng ta đang có gì thì phục vụ cái đó”, đồng chí Nguyễn Văn Nên lưu ý và đề nghị có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách cụ thể, từng cán bộ làm đúng vai thuộc bài, làm tốt chức trách nhiệm vụ, đặt sứ mệnh phục vụ người dân đang cần.

Về công tác kiểm tra giám sát, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh bài học quan trọng đó là khi giao nhiệm vụ phải đi cùng với kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, uốn nắn để không xảy ra vi phạm, sai phạm; còn nếu có vi phạm buộc phải xử lý theo quy định.

img-09f63f114f1e5fa412c0ecbb0a758eab-v-8005.jpg
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Hữu Hiệp phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức cho biết, trong năm 2023, Đảng bộ, chính quyền TP Thủ Đức đã kịp thời đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tận dụng tối đa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội TP Thủ Đức và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực có kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra như công tác quản lý đất đai (nhất là đất công), trật tự xây dựng, các vấn đề về giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường... Bên cạnh đó công tác xây dựng chính quyền đô thị, cải cách thủ tục hành chính, chất lượng hoạt động công vụ chưa thật sự đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp, còn nhiều vấn đề cần quan tâm xử lý triệt để.

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức đề nghị hội nghị tập trung phân tích, thảo luận làm rõ, đóng góp nhiều giải pháp cụ thể hơn, gắn với ngành, lĩnh vực công tác để khắc phục hiệu quả, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2024.

img-d95eb8025a21cf0056f71c62989c5130-v-2219.jpg
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Báo cáo về kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, giá trị sản xuất ngành thương mại - dịch vụ trong năm 2023 ước tăng 12,8% so với năm 2022 (ước đạt 73.034 tỷ đồng, vượt hơn 101% kế hoạch). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 8,39% so với năm 2022 (ước đạt hơn 32.339 tỷ đồng, vượt hơn 100,9% kế hoạch). Dù vậy, năm 2023, thu ngân sách nhà nước không đạt chỉ tiêu đề ra. Đến ngày 15-12, TP Thủ Đức đã thu hơn 11.000 tỷ đồng (đạt 61,16%).

Về giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 15-12, TP Thủ Đức đã giải ngân khoảng 2.140 tỷ đồng (đạt 83%), dự kiến đến hết tháng 12-2023, TP Thủ Đức sẽ giải ngân trên 97% chỉ tiêu TPHCM giao.

img-cb2a32088176036c409efaf84602cf8e-v-6715.jpg
Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 98, đã có những bước chuyển biến sâu sắc, thể hiện niềm tin, sự tin tưởng đối với việc thành lập và định hướng phát triển thành phố. Trong đó, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị TP Thủ Đức từng bước được sắp xếp, kiện toàn theo lộ trình, đặc biệt đến nay TP Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành việc thành lập các đơn vị mới, sắp xếp, củng cố, kiện toàn tên gọi và nhân sự các cơ quan, đơn vị theo Nghị quyết 98.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết thêm, về thực hiện Nghị quyết 98, đến nay TP Thủ Đức đã thành lập Ban Đô thị (HĐND TP Thủ Đức); thí điểm thành lập 3 trung tâm (Trung tâm An sinh xã hội, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật), 2 tổ chức hành chính mới (phòng Giao thông công chính, Trung tâm Hành chính công).

Cùng với đó, TP Thủ Đức điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn trực thuộc. Ngoài ra, TP Thủ Đức có kế hoạch triển khai đầu tư một số dự án trên địa bàn thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Nhiều công trình, dự án đưa vào sử dụng

TP Thủ Đức đã đưa Công viên bờ sông Sài Gòn được vào sử dụng, phục vụ người dân. Công viên bờ sông Sài Gòn (đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm vượt sông Sài Gòn) phường Thủ Thiêm, TP Thủ Đức, với không gian khoảng 20ha có 13 hạng mục chính. Đó là khu sinh hoạt cộng đồng đa năng, bến tàu, Công viên hoa Hướng dương, chuỗi bè nổi thủy sinh, công viên đá; cầu đi bộ, công viên sinh thái…

TP Thủ Đức khánh thành công trình cầu Long Đại nối phường Long Phước với phường Long Bình (TP Thủ Đức). Công trình được đưa vào sử dụng sau hơn 5 năm thi công do chậm tiến độ.

Vào ngày 22-12 tới, Đường sách TP Thủ Đức sẽ chính thức khánh thành sau thời gian dài chuẩn bị. Đường sách TP Thủ Đức tọa lạc tại đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức, TPHCM) với chiều dài khoảng 190,6m, tổng diện tích khoảng 3.508m2. Với vị trí thuận lợi, nơi có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trường THPT, THCS và tiểu học. Việc hình thành đường sách nơi đây được người dân trên địa bàn, đặc biệt là các hộ dân ở khu vực đường Hồ Thị Tư đồng tình hưởng ứng thông qua các buổi tiếp xúc trực tiếp giới thiệu mô hình hoạt động đường sách.

Tin cùng chuyên mục