Bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cho biết, ngoài những yếu tố bắt buộc sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, về phía WB cùng với các tổ chức tài chính đã và đang xây dựng Quỹ tín dụng xanh để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh. Riêng về phía doanh nghiệp cho rằng, cùng với việc xây dựng quỹ tín dụng xanh, mức lãi suất áp dụng cho nguồn vốn này cũng phải thấp hơn lãi suất thông thường.
Ở góc độ khác, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho rằng, các cơ quan chức năng, tổ chức tài chính cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động cấp phép đầu tư các dự án môi trường, tiếp cận nguồn vốn vay. Có như vậy mới tạo động lực khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động sản xuất và cao hơn là đầu tư dự án xử lý chất thải, đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu giảm khí phát thải về 0 vào năm 2025.
Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Xanh do Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam tổ chức, UBND TPHCM cho biết, TPHCM đã xác định mục tiêu theo đuổi tiến trình phục hồi xanh. Theo đó, tích cực tham gia vào các xu thế lớn của thế giới như xu thế mở cửa; xu thế phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức....
Thành phố đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội theo xu hướng phục hồi xanh. Đồng thời, xây dựng và triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, nỗ lực hiện thực hóa các cam kết mạnh mẽ về ứng phó với biến đổi khí hậu.