TPHCM khẩn trương chuẩn bị công tác bầu cử

Năm nay, bắt đầu thực hiện chính quyền đô thị, TPHCM không tổ chức HĐND ở quận, phường. Do đó, cùng với bầu cử ĐBQH, cử tri sẽ bỏ phiếu bầu ĐB HĐND TPHCM, HĐND TP Thủ Đức, HĐND 5 huyện và 63 xã, thị trấn. Trong đó, 5 huyện (có 63 xã, thị trấn) sẽ bầu ĐBQH và bầu đủ ĐB HĐND 3 cấp (cấp thành phố, huyện và xã). Riêng cử tri TP Thủ Đức sẽ bầu ĐBQH, ĐB HĐND TPHCM và HĐND TP Thủ Đức.

Tích cực chuẩn bị

Tại TP Thủ Đức, số lượng đại biểu HĐND TP Thủ Đức được bầu là 40, không tổ chức HĐND ở 34 phường. Ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch HĐND TP Thủ Đức, cho hay, TP Thủ Đức có hơn 907.000 cử tri. Với 13 đơn vị bầu cử, như vậy mỗi đơn vị bầu cử có trung bình 70.000 cử tri. Do phát sinh các khu dân cư mới trong 5 năm qua, nên số điểm bỏ phiếu ở TP Thủ Đức tăng từ 346 điểm ở nhiệm kỳ trước lên khoảng 400 điểm trong bầu cử lần này. Địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền bầu cử và dự kiến có 67 người tham gia ứng cử.

Tại huyện Bình Chánh, ông Thái Thành Tâm, Phó Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh cho biết, huyện đang tập trung cho các hoạt động tuyên truyền về bầu cử, xây dựng phương án bảo vệ công tác bầu cử. Thống kê sơ bộ, huyện có hơn 406.000 cử tri, chia thành 10 đơn vị bầu cử. Các cử tri trên địa bàn huyện Bình Chánh sẽ bầu 35 đại biểu HĐND huyện từ 68 người được giới thiệu ứng cử.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, Chủ tịch Ủy ban bầu cử TPHCM chủ trì phiên họp thứ 3 Ủy ban bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026 triển khai công tác bầu cử trên địa bàn thành phố. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, qua hiệp thương lần thứ nhất, sẽ có 61 người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND huyện, chia thành 12 đơn vị bầu cử để bầu 35 đại biểu. Có 1.077 người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND xã, thị trấn để bầu 609 đại biểu. Ủy ban bầu cử huyện đã bố trí 1 phòng làm việc để tiếp nhận hồ sơ ứng cử và phân công cán bộ tiếp nhận. Chậm nhất là ngày 13-4, huyện Củ Chi sẽ niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND xã, thị trấn và địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để người dân kiểm tra. 

Không kém khẩn trương, huyện Nhà Bè đã thành lập 12 tổ bầu cử HĐND huyện và dự toán kinh phí hoạt động bầu cử. Theo ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nhà Bè, nhiệm kỳ này, HĐND huyện Nhà Bè được bầu 35 đại biểu (từ 60 ứng cử viên) và HĐND xã, thị trấn được bầu 206 đại biểu từ 340 ứng cử viên. Tương tự, huyện Hóc Môn đã công bố 12 đơn vị bầu cử. HĐND huyện sẽ có 35 đại biểu được bầu (từ 59 ứng viên). HĐND các xã, thị trấn cũng được chia thành 101 đơn vị bầu cử để bầu 359 đại biểu. Hiện nay, các cơ quan đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đang thực hiện theo quy trình, đảm bảo hoàn thành danh sách người ứng cử trước 11-3 theo quy định. 

Trong số các huyện, HĐND huyện Cần Giờ có số lượng đại biểu ít nhất (30 đại biểu). Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch HĐND huyện Cần Giờ thông tin, huyện  đã thành lập 7 đơn vị bầu cử và đang tiến hành hội nghị cử tri để giới thiệu ứng cử viên.

Hồ sơ ứng cử cần kê khai quốc tịch

Thời hạn nhận hồ sơ ứng cử ĐBQH và HĐND các cấp là trước 17 giờ ngày 14-3. Ở cấp HĐND TPHCM, hiện đã có người nộp hồ sơ tự ứng cử, trong khi các huyện và TP Thủ Đức chưa nhận được hồ sơ tự ứng cử. Những người được giới thiệu ứng cử cũng chưa nộp hồ sơ do đang thực hiện theo quy trình giới thiệu. 

Lưu ý về hồ sơ ứng cử, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, các mẫu đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt cơ bản vẫn giữ như các mẫu trước đây, nhưng có bổ sung thêm mục kê khai về quốc tịch để đảm bảo chặt chẽ. Tại phần ghi quốc tịch, cần ghi rõ: “Chỉ có 1 quốc tịch là Việt Nam và không trong thời gian thực hiện thủ tục xin gia nhập quốc tịch quốc gia khác”. Trường hợp đang có cả quốc tịch nước khác hoặc đang làm thủ tục xin gia nhập quốc tịch nước khác thì ghi rõ thông tin về các quốc tịch đang có hoặc đang xin gia nhập. 

Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử cũng được cập nhật. Nội dung kê khai sẽ được thực hiện kỹ lưỡng, tương tự như với kê khai lần đầu nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, các nội dung hướng dẫn kê khai đã được rà soát, cập nhật, cụ thể hóa để tạo thuận lợi nhất cho người khai. Về nguyên tắc, người ứng cử tự kê khai và cam kết chịu trách nhiệm về các nội dung đã ghi trong hồ sơ ứng cử. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, đánh giá kỹ, quản lý hồ sơ cán bộ và phải chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, điều kiện của nhân sự mà mình giới thiệu ứng cử.

Ngày 4-3, Ủy ban bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND TPHCM nhiệm kỳ 2021-2026 cho biết, TPHCM đã đề xuất 10 đơn vị bầu cử tính theo số liệu dân số, mỗi đơn vị từ hơn 790.000 đến gần 1,2 triệu dân. Cụ thể, 10 đơn vị bầu cử ĐBQH khóa XV có thay đổi so với khóa XIV. Đơn vị 1 là TP Thủ Đức với 1,196 triệu dân. Đơn vị 2 gồm các quận 1, 3, Bình Thạnh với hơn 832.600 dân. Đơn vị 3 gồm các quận 5, 8,11 với hơn 791.700 dân. Đơn vị 4 gồm quận 10, 12 với 885.700 dân. Đơn vị 5 gồm quận Tân Bình, Tân Phú với hơn 951.500 dân. Đơn vị 6 gồm quận Bình Tân với hơn 790.400 dân. Đơn vị 7 gồm quận Phú Nhuận, Gò Vấp với hơn 858.900 dân. Đơn vị 8 gồm quận 6, huyện Bình Chánh với hơn 981.300 dân. Đơn vị 9 gồm quận 4, 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ với hơn 821.100 dân. Đơn vị 10 gồm huyện Hóc Môn, Củ Chi với hơn 1 triệu dân. Sau các lần hiệp thương, từ 60 người được giới thiệu sẽ còn 50 người ứng cử ĐBQH, tiến hành bầu tại 10 tổ để bầu ra 30 ĐBQH. Trong khi đó, 32 tổ bầu cử sẽ bầu ra 95 ĐB HĐND TPHCM từ 159 người ứng cử.

Tin cùng chuyên mục