(SGGPO).- Sáng nay, 12-10, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM đã tổ chức hội nghị về các giải pháp giải quyết nợ đọng và công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH.
Theo ông Nguyễn Trọng Nam, Trưởng phòng kiểm tra BHXH TPHCM, đến nay, trên địa bàn có 1.676.000 người tham gia BHXH với tổng số tiền thu được trên 11.200 tỷ đồng. Tính đến 30-9-2011, các đơn vị còn nợ trên 1.120 tỷ đồng. Đến nay, BHXH TPHCM đã khởi kiện 265 DN nợ đọng BHXH kéo dài với số tiền nợ gần 121 tỉ đồng. Đã có 218 vụ việc được đưa ra xét xử (đạt 82,3%); doanh nghiệp thua kiện và thi hành án gần 70 tỉ đồng (57,6% tổng số nợ). Riêng 9 tháng đầu năm 2011, đã có 117 đơn vị nợ tiền BHXH bị khởi kiện với số tiền nợ gần 40 tỷ đồng và đã thu hồi được trên 15 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình khởi kiện vẫn còn rất khó khăn. Để hoàn tất hồ sơ khởi kiện thì việc đối chiếu, xác định công nợ giữa cơ quan BHXH và đơn vị nợ BHXH gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do doanh nghiệp không hợp tác. Khi tòa thụ lý, giải quyết vụ án thì bị đơn chuyển địa bàn đi nơi khác nên phải tiến hành xác minh và tống đạt quyết định chuyển vụ án sang địa bàn mà bị đơn chuyển đến để xét xử. Chưa kể, thời gian theo đuổi vụ kiện khá lâu, thủ tục kéo dài do doanh nghiệp cố tình trì hoãn, làm cho số nợ tăng lên dẫn đến khả năng trả nợ ngày càng thấp.
Khi tiến hành xét xử thì chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp phá sản hoặc giải thể… nên sau đó dù bản án có hiệu lực vẫn không thi hành được. Điều này gây thiệt thòi trực tiếp đến quyền lợi người lao động như không được chốt sổ kịp thời, không được hưởng các chế độ BHXH ốm đau, thai sản, thất nghiệp… Khó nhất hiện nay là việc kê biên tài sản doanh nghiệp.
Vừa qua, cơ quan BHXH TPHCM đã đề nghị làm thủ tục tuyên bố phá sản đối với 3 doanh nghiệp để kê biên tài sản, thanh toán nợ BHXH nhưng khi tiến hành thực hiện, trừ Công ty Lucky có tài sản để kê biên bán đấu giá, còn 2 công ty kia tài sản kê biên thuộc tài sản thế chấp nên phải trả cho bên thế chấp chứ không trả nợ BHXH. Bên cạnh đó, nhiều bản án hoặc quyết định hòa giải thành có hiệu lực pháp luật nhưng doanh nghiệp vẫn không thực hiện. Trong trường hợp này, cơ quan BHXH phải xác minh điều kiện thi hành án của doanh nghiệp theo quy định trước khi nộp đơn xin thi hành án.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Nam, quy định mức phạt tiền tối đa là 30 triệu đồng là quá thấp, chưa đủ sức răn đe doanh nghiệp sai phạm. BHXH TPHCM kiến nghị nâng mức phạt tiền theo lũy tiến tối đa 100 triệu đồng hoặc phạt 20% tổng số nợ; bổ sung hình thức rút giấy phép đăng ký kinh doanh của đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần chế tài hành vi cố tình né tránh, không hợp tác với đoàn thanh tra, kiểm tra.
BHXH kiến nghị Tòa án nhân dân các cấp rút ngắn thời gian thụ lý, giải quyết hồ sơ khởi kiện nhằm tránh tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, doanh nghiệp phá sản… không thể thi hành án để kịp thời bảo vệ quyền lợi người lao động. Bên cạnh đó cần sớm bổ sung tội danh chiếm dụng quỹ BHXH vào Bộ luật Hình sự để xử lý với người đứng đầu sử dụng lao động thu tiền BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH. Mặt khác, cần có quy định tiền lương, tiền công bắt buộc đóng BHXH theo hợp đồng lao động bao gồm mức lương cơ bản, phụ cấp, trợ cấp ghi trên hợp đồng đối với khu vực tiền lương do đơn vị tự xây dựng.
Tin, ảnh: Hồ Thu