Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 331.514 tỷ đồng, tăng 8,4% so cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 13,7%), chiếm tỷ trọng 65,42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Việt Nam trong quý 1 và đầu quý 2 giảm mạnh, cộng với người dân thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu tiêu dùng giảm theo. Để tăng sức mua, thành phố đã và đang triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi trong quý 2, đồng thời kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ các chính sách giao hàng.
Cùng với đó, TPHCM tập trung hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 238 chợ, 230 siêu thị, 49 trung tâm thương mại, 2.669 cửa hàng tiện lợi. Tốc độ phát triển hạ tầng hệ thống đang có xu hướng đi vào ổn định, các hệ thống phân phối tập trung nguồn lực cho công tác dự trữ nguồn hàng hóa lương thực - thực phẩm thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố. Sự tăng trưởng đáng chú ý đến từ các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, siêu thị mini - nơi cung cấp sản phẩm đa dạng về chủng loại, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh.
Có thể thấy, sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng, cũng như đẩy mạnh mở rộng hệ thống phân phối đã góp phần giúp doanh nghiệp cải thiện được doanh thu. Sự chủ động và thích ứng nhanh của các đơn vị bán lẻ đã và đang tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, góp phần cải thiện doanh số, kéo người tiêu dùng trở lại.