TPHCM phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn mới

UBND TPHCM vừa có quyết định phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân.
Người dân TPHCM dạo chơi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) đêm 13-10. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người dân TPHCM dạo chơi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) đêm 13-10. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trong đó, Chiến lược bao phủ vaccine Covid-19 đến từng người dân trên địa bàn thành phố là một trong những chiến lược then chốt, quan trọng để phòng chống dịch bệnh, giúp bảo vệ người dân giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng do Covid-19 và bảo vệ cộng đồng tại TPHCM.

Việc triển khai chiến lược này bằng cách ưu tiên tiêm vaccine cho nguời dân quay về thành phố từ các địa phương khác; “đi từng ngõ, gõ từng nhà” không bỏ sót bất kỳ ai nhất là những người thuộc nhóm nguy cơ cao; xây dựng dữ liệu lớn về tiêm vaccine Covid; tăng cường truyền thông vận động người dân tham gia tiêm vaccine Covid-19 và mở rộng độ bao phủ vaccine cho trẻ em đến 3 tuổi và triển khai mũi tiêm tăng cường.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ hướng đến mục tiêu kép “hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội”, TPHCM đã xây dựng Chiến lược kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới bằng các hoạt động: xét nghiệm trong tình hình mới; nâng cao năng lực giám sát và cảnh báo dịch; xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan; giám sát lưu hành và sự xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Theo UBND TPHCM, hiện hơn 90% người dân TPHCM đã được tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19, phần lớn người mắc bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ. Đây được xem là nhóm đối tượng phù hợp cho việc quản lý và chăm sóc tại nhà, giúp giảm tải cho bệnh viện tầng trên.

Với Chiến lược quản lý và chăm sóc F0 tại nhà sẽ chủ động phát hiện và cập nhật danh sách F0 và người thuộc nhóm nguy cơ cao trên từng địa bàn quận, huyện; hài hòa giữa cách ly, điều trị tại nhà và tập trung. Chiến lược cũng nêu rõ, mỗi F0 điều trị tại nhà sẽ có một hồ sơ bệnh án điện tử và thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực tham gia công tác quản lý và chăm sóc F0 tại nhà.

Đối với Chiến lược điều trị F0 tại các bệnh viện tầng 2, tầng 3. Chiến lược nêu rõ tất cả các cơ sở điều trị phải luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác điều trị, cùng với việc “đánh chặn từ xa” kết hợp “4 tại chỗ” (xây dựng các kịch bản và phương án hậu cần cho từng kịch bản theo từng cấp độ dịch; xác định ngưỡng thu dung, điều trị; thực hiện chế độ “bác sĩ dự bị” và sẵn sàng chi viện lực lượng cho các tỉnh khu vực phía Nam khi có yêu cầu).

Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng quy định rõ chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi của người dân và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bằng nhiều hình thức và chiến lược nâng cao năng lực phòng chống dịch (nâng cao năng lực Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố; hệ thống y tế cơ sở, huy động hệ thống y tế tư nhân, kết hợp quân dân y…)

UBND TPHCM yêu cầu Sở Y tế theo dõi, giám sát liên tục các chỉ số về dịch bệnh trên địa bàn thành phố, cảnh báo kịp thời nguy cơ dịch bệnh gia tăng; chỉ đạo các đơn vị y tế trên toàn Thành phố triển khai công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh theo từng tình huống dịch và theo hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh, các bệnh viện phải thực hiện hai nhiệm vụ vừa khám bệnh, chữa bệnh thông thường vừa khám chữa bệnh cho người mắc Covid-19.

Chủ động chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chuyên môn, đặc biệt nhân lực về hồi sức tích cực, truyền nhiễm, xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại để nâng cao năng lực cho các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên về hồi sức tích cực trong hô hấp, điều trị ca bệnh nặng trong hồi sức cấp cứu cho các bệnh viện khu vực và một số bệnh viện quận huyện, TP Thủ Đức.

UBND các quận huyện, TP Thủ Đức tổ chức hoạt động giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh tại phường, xã, thị trấn, khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, hộ gia đình để khoanh vùng và xử lý kịp thời; triển khai quy trình phát hiện và xử lý ổ dịch tại cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế.

Điều tra, rà soát người dân trên địa bàn chưa được tiêm vaccine để tổng hợp số lượng, phối hợp với ngành y tế lập kế hoạch tổ chức tiêm đầy đủ, kịp thời bằng các hình thức phù hợp, thuận lợi cho người dân; chịu trách nhiệm quản lý thông tin về tiêm chủng vaccine Covid-19 của người dân sinh sống tại địa phương.

Xây dựng kế hoạch thiết lập Trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng; đảm bảo 100% các Trạm y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà, đồng thời phát huy Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại các địa bàn.

Các quận huyện, TP Thủ Đức chưa có bệnh viện dã chiến phải có kế hoạch thành lập bệnh viện; có kế hoạch di dời các bệnh viện dã chiến đang sử dụng cơ sở hạ tầng là trường học sang cơ sở hạ tầng mới phù hợp. Ưu tiên sử dụng nguồn đất công thành lập bệnh viện dã chiến để có thể sử dụng lâu dài.

Tin cùng chuyên mục