(SGGP).- Ngày 17-9, tại hội nghị triển khai Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (theo Quyết định số 32 ngày 23-8-2013 của UBND TPHCM), ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM cho biết, quy chế mới quy định cụ thể 3 người có thể phát ngôn, gồm: người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước; người được người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước giao nhiệm vụ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thường xuyên (người phát ngôn) và trường hợp cần thiết, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn (người được ủy quyền phát ngôn) hoặc phối hợp cùng người phát ngôn để phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề cụ thể được giao.
Ngoài ra, quy chế mới cũng bổ sung thêm quy định công bố họ tên, chức vụ, số điện thoại, địa chỉ email của người phát ngôn gửi cho Sở TT-TT, các cơ quan báo chí hoặc phải đăng tải trên cổng thông tin điện tử hay trang tin điện tử của cơ quan mình.
Thời hạn phát ngôn và cung cấp thông tin cũng được rút ngắn. Đối với phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ thì ít nhất 3 tháng 1 lần tổ chức họp báo để cung cấp thông tin cho báo chí. Trong trường hợp đột xuất, bất thường, trường hợp xảy ra vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất 1 ngày, kể từ khi xảy ra vụ việc (quy chế cũ quy định 2 ngày).
Quy chế cũng quy định rõ việc xử lý vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định trong quy chế này. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
VÂN ANH