(SGGP).- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài vừa có ý kiến chỉ đạo về định hướng phát triển hệ thống tượng và tượng đài trên địa bàn TP. Theo đó, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát kỹ, lập hồ sơ riêng cho từng tượng đài; trong đó, cần làm rõ các yếu tố: nội dung, chất liệu, tác giả, thời điểm lắp đặt, địa điểm, thực trạng tình hình về mỹ thuật và kết cấu xây dựng, tiểu sử nhân vật lịch sử, danh nhân, kể cả các cụm tượng đài sự kiện cách mạng và tượng đài mỹ thuật thuần túy.
Trong đề cương nhiệm vụ chương trình nghiên cứu, sở phải đánh giá sơ bộ mặt ưu điểm và nhược điểm của hệ thống tượng đài trước và sau năm 1975, có tiêu chí xây dựng tượng và tượng đài… Định hướng trong việc xây dựng tượng và tượng đài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài lưu ý cần phải chú ý đến đặc trưng của TPHCM là đông dân, có vai trò trung tâm về nhiều mặt, đầu mối giao lưu quốc tế, có quá trình xây dựng, đấu tranh phát triển trên 300 năm và đang trong quá trình hội nhập. Người dân TP luôn năng động, sáng tạo, dũng cảm, nhân ái, nghĩa tình…
Về mẫu biểu trưng văn hóa tại các cửa ngõ ra vào TP, mời Hội đồng nghệ thuật xem xét góp ý để hoàn chỉnh các dự án: tác phẩm “Đôi chim hạc” tại cửa ngõ xa lộ Hà Nội với vị trí đã được xác lập tại các cụm hoa thị Trạm 2; tác phẩm “Mặt trời hồng” tại cửa ngõ giáp ranh huyện Củ Chi và huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; tác phẩm “Lúa nước” tại cửa ngõ đi về miền Tây Nam bộ. Riêng mẫu biểu trưng văn hóa hướng ra biển tại huyện Cần Giờ, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu nội dung biểu tượng, vị trí xây dựng trình Thường trực UBND TP xem xét.
V.ANH