Tại cuộc họp kiểm điểm thường kỳ tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 10 tháng đầu năm 2016 diễn ra vào ngày 28-10, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thông tin, để tiết kiệm ngân sách trong chi thường xuyên, sắp tới TPHCM sẽ rà soát lại danh mục đầu tư mua sắm công, cái nào thuê được thì thuê chứ không bỏ tiền ra mua nữa; trong đó hạn chế mua sắm tất cả các loại xe (trừ xe chuyên dùng ngành công an, chữa cháy).
Ngân sách năm 2017: Thu tăng, chi giảm
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, việc tăng thuê, giảm mua xe công sẽ tiết kiệm được chi phí quản lý. Sở Tài chính sẽ có đề án cụ thể trình Chủ tịch UBND TP. TPHCM cũng sẽ rà soát lại các dự án đầu tư để cắt giảm dự án chưa cấp thiết, chưa hiệu quả. Để đạt hiệu quả cao trong đầu tư, tất cả các dự án đầu tư sắp tới khi phê duyệt sẽ quan tâm đến giải pháp về công nghệ…
Việc tăng thuê, giảm mua xe công sẽ tiết kiệm được chi phí quản lý. Ảnh: T.L
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng, cho biết: Tổng thu ngân sách của TPHCM trong năm 2017 được Chính phủ trình Quốc hội là 347.882 tỷ đồng, so với 298.300 tỷ đồng kế hoạch giao trong năm 2016 thì mức tăng chênh lệch khoảng 49.500 tỷ đồng. Trong đó, nếu khoản thu nội địa được giao trong năm 2016 là 177.600 tỷ đồng thì sang năm 2017 được giao là 226.482 tỷ đồng. “Trách nhiệm thu nội địa năm 2017 để được hưởng từ số thu này tăng 27% so với dự toán năm 2016”, bà Thắng nói. Trong khi đó, chi ngân sách năm 2016 của TPHCM được dự toán là 60.709 tỷ đồng, nhưng sang năm 2017 giảm xuống còn 60.369 tỷ đồng. “Tôi muốn nói số thu thì tăng như vậy nhưng số chi không tăng. Tỷ lệ điều tiết lại cho TP hiện nay Chính phủ trình Quốc hội là 18% và TPHCM đang có nhiều kiến nghị để Trung ương xem xét ở mức 21%”, bà Thắng thông tin.
Người đứng đầu Sở Tài chính TP cũng thông tin thêm, theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cung cấp vào cuối tháng 9-2016 thì vốn cho 7 chương trình đột phá của TP lên đến 471.000 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm cần chi 96.000 tỷ đồng cho giai đoạn các năm tới. Nếu như tỷ lệ điều tiết là 23% thì chi đầu tư trung bình một năm của thành phố khoảng 77.000 tỷ đồng (cho 7 chương trình đột phá), nếu trường hợp bị giảm xuống còn 18% thì số vốn TP cân đối chi cho đầu tư sẽ thiếu nhiều so với nhu cầu đầu tư.
Ngập úng làm giảm sức mua
Cũng tại cuộc họp, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TPHCM trong 10 tháng đầu năm 2016 đạt gần 576.000 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng có tăng nhưng riêng trong tháng 10 này thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có sự sụt giảm 1,13% so với tháng 9 do các yếu tố dịch vụ lữ hành giảm 1,6%, ngoài ra do trong tháng 10 có nhiều đợt triều cường kết hợp mưa lớn gây ngập nhiều nơi trong thành phố cũng ảnh hưởng đến sức mua của người dân.
Trong khi đó, báo cáo của UBND TP cho thấy, tiến độ khắc phục các vị trí ảnh hưởng do thi công dự án và xử lý các điểm lấn chiếm kênh rạch, cửa xả còn rất chậm. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm, mới chỉ khắc phục được 7/15 vị trí cống thoát nước bị xâm hại gây ngập; xử lý được 7/65 vị trí lấn chiếm kênh rạch; xử lý được 5/106 điểm lấn chiếm hầm ga; 10/68 điểm lấn chiếm cửa xả… Trong tháng 10 này xuất hiện nhiều tuyến đường ngập nặng khi mưa lớn vượt tần suất thiết kế cống và tổ hợp bất lợi (mưa lớn kết hợp triều cường) cùng với tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch phổ biến nhưng công tác triển khai xử lý còn rất chậm đã ít nhiều ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu gây khó khăn đến đời sống người dân.
Trước thực tế này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành chức năng tiếp tục đánh giá tình trạng ngập của TPHCM và có báo cáo cụ thể. Đặc biệt là những vấn đề ra đặt sau đợt kiểm tra thực tế của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND TPHCM vừa qua để trong tháng 11 tới Thường trực UBND TP sẽ họp quyết định giải pháp chống ngập cụ thể, đặc biệt đối với các điểm lấn chiếm hệ thống thoát nước.
Nhận định tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của TP, theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, qua đánh giá các số liệu đạt được 10 tháng đầu năm nay thì khả năng đến hết năm 2016 TPHCM sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế trên 8% cho cả năm. Đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý các sở ngành chức năng tăng cường tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính. Kiểm soát, đánh giá tình hình để thực hiện kịp thời các giải pháp không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường bất động sản. Cùng với đó, kiểm tra các dự án “trùm mền” tại khu vực trung tâm TP để có giải pháp xử lý.
|
Vân Anh