TPHCM: Tăng trưởng tín dụng năm 2014 có thể đạt 14%

Ngày 27-12, lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM, các sở - ngành và các hiệp hội ngành nghề TP đã có buổi làm việc với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM năm 2013. Tham dự có Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân. Tại đây, các kiến nghị về giảm lãi suất, giải pháp đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng… của UBND TP và các hiệp hội cũng đã được thống đốc đưa ra hướng giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2014.

        Dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh chiếm 83%

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng, mặc dù nền kinh tế nói chung và TP nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự phấn đấu nỗ lực của các ngành, các cấp, các DN và nhân dân TP, kinh tế TPHCM đã tiếp tục vượt qua khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định hợp lý. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từng bước đi vào chiều sâu, lạm phát được kiểm soát, các nguồn lực xã hội được phát huy, các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định, trong đó có lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Kết quả quan trọng đó phản ánh hiệu quả cơ chế chính sách của Chính phủ, NHNN và sự chủ động phối hợp chặt chẽ, quyết liệt của TP cùng với NHNN thực hiện chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Từ đó, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cũng đề nghị NHNN cần phối hợp tốt hơn nữa với TP để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng tích cực hơn cả về lượng và chất trong thời gian tới.

Báo cáo tại buổi làm việc về một số kết quả đạt được trong hoạt động ngân hàng trên địa bàn TPHCM năm 2013, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, tổng dư nợ tín dụng ước đạt 952. 550 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2012. Trong đó, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh chiếm 83%; dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh ở 5 lĩnh vực ưu tiên (lãi suất dưới 9%/năm) đạt hơn 126.400 tỷ đồng với tổng số khách hàng được vay là gần 37.300 khách hàng, chiếm 16,4% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong đó cơ cấu cho vay đối với DN nhỏ và vừa tăng cao nhất, tăng 70% và chiếm 64% dư nợ của 5 lĩnh vực ưu tiên…

Bên cạnh những mặt được, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng cũng nêu lên vấn đề nội tại của hệ thống ngân hàng là tình hình nợ xấu vẫn ở mức cao. Lãnh đạo UBND TP kiến nghị đối với công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ở các tổ chức tín dụng, NHNN cần có giải pháp tích cực để bảo đảm hoạt động của hệ thống ngân hàng minh bạch, an toàn, hiệu quả, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo và lợi ích nhóm.

Định hướng quản lý trong thời gian tới, UBND TP cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Nghị quyết của Thành ủy và HĐND TPHCM, năm 2014, UBND TP tiếp tục phối hợp với NHNN để thực hiện các chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất gắn liền với các chương trình trọng điểm của TP, giữ ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. Trong đó, cụ thể hóa bằng các chương trình hành động như: Chương trình kết nối ngân hàng - DN, cho vay nhà ở xã hội, kích cầu đầu tư, bình ổn thị trường…

        Tập trung phát triển tín dụng 5 lĩnh vực ưu tiên

Bên cạnh đó, TPHCM tập trung phát triển tín dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó xác định trọng tâm là ngành công nghiệp hỗ trợ, các DN vừa và nhỏ có ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo điều kiện cho DN nâng cao năng lực, hiện đại hóa công nghệ, phát triển bền vững. UBND TP cũng đề nghị NHNN có giải pháp tích cực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2014 đạt khoảng 14%.

Về việc này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình ghi nhận sự nỗ lực lớn của TPHCM và cho rằng, năm 2013 nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng TPHCM đã quyết tâm đạt được những kết quả về mặt phát triển kinh tế - xã hội để tạo tiền đề phát triển trong thời gian tới. “Trong lĩnh vực ngân hàng, với sự chỉ đạo xuyên suốt của chính quyền TP, cùng với những định hướng sắp tới trong việc tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kết nối, tháo gỡ khó khăn cho các DN và phục vụ phát triển kinh tế TP, mức tăng trưởng tín dụng tại TPHCM trong năm 2014 hoàn toàn có cơ sở để đạt mức 14%, góp phần tăng trưởng chung cho toàn ngành ngân hàng đạt 12% - 14% trong năm 2014” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND TP cũng đã kiến nghị NHNN cần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên nhằm giúp DN mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Liên quan vấn đề cho vay hỗ trợ nhà ở, UBND TP đề nghị NHNN phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện khung pháp lý về các thủ tục công chứng, giao dịch bảo đảm trong thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để làm cơ sở cho các ngân hàng nhận thế chấp tài sản. Bên cạnh đó, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở và tăng thời hạn cho vay lên từ 15 - 20 năm đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội và một bộ phận nhà ở thương mại. Đồng thời, cho phép khách hàng được vay toàn bộ giá trị của căn nhà…

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan cũng như đề xuất Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ tích cực, hoàn thiện chính sách tín dụng theo hướng thông thoáng hơn, bảo đảm thuận lợi hơn nữa cho tăng trưởng tín dụng và phát triển sản xuất, kinh doanh. “Thời gian tới, các tổ chức tín dụng cũng được nới rộng hơn quyền tự quyết trong hoạt động cho vay” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh. Cụ thể, liên quan đến gói 30.000 tỷ đồng, Thống đốc cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ có cơ chế thông thoáng hơn để cán bộ công chức, lực lượng vũ trang tiếp cận được nhà ở. Về kiến nghị thời hạn cho vay gói 30.000 tỷ đồng kéo dài từ 10 - 20 năm và lãi suất giảm từ 6% xuống còn 4% - 5%/năm của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, thống đốc cho biết sẽ kiến nghị theo hướng giảm lãi suất và kéo dài thời hạn cho vay nhưng chưa thể xác định lãi suất và thời gian cụ thể; ân hạn cho người mua nhà không trả vốn và lãi trong 3 năm đầu tiên…

"Tính đến thời điểm hiện nay, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đã đạt trên 11% mặc dù theo thống kê đến ngày 22-12, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt 9,5%. Như vậy, so với mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong năm 2013, tăng trưởng tín dụng ngân hàng có khả năng sẽ đạt 12%. Hiện nay Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được 36.000 tỷ đồng nợ xấu, so với đầu năm đã mua được 1% tổng nợ xấu và nếu lấy tín dụng cộng khoản này thì dư nợ toàn hệ thống hiện nay đã trên 12%. Trong hai năm 2012 và 2013, tăng trưởng tín dụng sát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với “sức khỏe” của các ngân hàng nên tín dụng ngân hàng hiệu quả, đi vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn, đảm bảo tăng trưởng tín dụng lành mạnh"

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục