TPHCM thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Chọn năm 2020 là “năm đột phá về hạ tầng giao thông”, TPHCM đang nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đảm bảo tiến độ các công trình đưa vào phục vụ người dân thành phố.
Metro Bến Thành - Suối Tiên qua quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Metro Bến Thành - Suối Tiên qua quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thi công mùa dịch

Dự án metro số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên là dự án giao thông đặc biệt quan trọng của TPHCM, đang được triển khai khá thuận lợi với nhiều hạng mục của 4 gói thầu trong giai đoạn nước rút thì lại gặp khó do dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Tuy vậy, các nhà thầu và đơn vị thi công vẫn tiếp tục đẩy mạnh tiến độ dự án dù dịch đang diễn biến phức tạp. Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, hiện việc lắp đặt đường ray nối ga Ba Son với ga Nhà hát thành phố (thuộc gói thầu CP1b) đã kết nối thông suốt. Tổng khối lượng thực hiện toàn tuyến đạt 74,4%. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất có thể ảnh hưởng tiến độ, đó là nhiều chuyên gia chưa thể nhập cảnh vào Việt Nam để hoàn thành các giai đoạn quan trọng của dự án.

Một dự án giao thông trọng điểm khác là dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2). Sau khi hoàn thiện, nút giao này sẽ có 4 tầng, gồm phần hầm dưới đất (từ đường Vành đai 2 về hướng Cát Lái), đường Vành đai 2, cầu vượt hiện hữu và thêm một cầu vượt từ Cát Lái về quận 7. Đây là dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc kinh niên tại điểm đen nút giao này, đồng thời đảm bảo thông suốt các trục đường chính Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống và Vành đai 2.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TPHCM (BQLDA), các hạng mục chính của giai đoạn 2 hiện đang triển khai gồm: cầu Mỹ Thủy 3 (nằm giữa cầu Mỹ Thủy 1 và cầu Mỹ Thủy 2, có 6 làn xe, dài 124 m); các nhánh đường bờ tả rạch Mỹ Thủy và gói thầu các nhánh đường bờ hữu (chủ yếu thi công các đường chui dưới cầu vì hiện nay đang vướng mặt bằng).

Ngoài ra, một số hạng mục khác đang tiến hành lập thiết kế chuẩn bị thi công gồm: cầu vượt rẽ trái từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ, cầu Kỳ Hà 4 từ hướng cầu Phú Mỹ rẽ phải về cảng Cát Lái. Dự án còn 2 hạng mục chưa được quyết định chủ trương đầu tư là cầu Kỳ Hà 3 nhánh phải và cầu vượt trên Vành đai 2 nhánh phải. Tổng cộng dự án có 10 hạng mục chính, đã hoàn thành 3 hạng mục, đang thi công 3 hạng mục và đang thiết kế chuẩn bị thi công 2 hạng mục. Để đẩy nhanh tiến độ, thành phố đã tách dự án thành 2 phần, dự án xây lắp và dự án giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, hiện tiến độ dự án đang bị chậm do vướng công tác bồi thường GPMB.

Cầu Thủ Thiêm 2 đang thi công. Ảnh: CAO THĂNG

Song song đó, thành phố đang triển khai Dự án xây dựng cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội, Dự án xây dựng cầu thép An Phú Đông, Dự án xây dựng hầm chui nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, Dự án nâng cấp cải tạo đường Huỳnh Tấn Phát (giai đoạn 2), Dự án xây dựng hệ thống hạ tầng khu vực kênh Nước Đen, Dự án nâng cấp cải tạo đường Trần Văn Giàu, Dự án nâng cấp đường Dương Quảng Hàm, Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống… để hoàn thành mục tiêu “năm đột phá về hạ tầng giao thông”.

Linh hoạt phương án giải ngân

Để đảm bảo tiến độ dự án metro số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên, Hitachi đã có công văn đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho 82 chuyên gia làm việc tại văn phòng dự án của Hitachi nhập cảnh dài hạn vào Việt Nam. Các chuyên gia này sẽ tham gia lắp đặt gói thầu cơ, điện và đầu máy, toa xe. Tuy nhiên, hiện nay các nhân sự Hitachi dự kiến huy động cũng chưa thể vào Việt Nam. Tương tự, về lắp đặt đường ray, Hitachi cũng chưa thể huy động chuyên gia cần thiết để thực hiện.

Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tăng cường nguồn nhân lực cho công tác lắp đặt đường ray - một công đoạn rất quan trọng của dự án và là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Trong khi đó, một số nhân viên văn phòng dự án của Hitachi đã đến Nhật Bản để tham gia thử nghiệm đoàn tàu, đào tạo tại nhà máy, song cũng khó di chuyển do các quy định về cách ly tại Nhật Bản. Các trường hợp này cũng cần chính sách hỗ trợ từ phía Việt Nam để các nhân viên này có thể nhập cảnh trở lại Việt Nam. MAUR sẽ kiến nghị Chính phủ và UBND TPHCM xem xét. Trong khi chờ chuyên gia, MAUR và các nhà thầu vẫn đẩy mạnh tiến độ thi công các hạng mục khác.

Thực tế, các dự án hạ tầng chậm tiến độ còn do khâu bàn giao mặt bằng kiểu “da beo”, nên chủ đầu tư không thể thi công được. Trong đó, khó khăn chủ yếu ở dự án bồi thường hỗ trợ tái định cư Dự án xây dựng tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) trên địa bàn 6 quận (quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú) được bố trí kế hoạch vốn là 2.385 tỷ đồng (chiếm 57% tổng vốn các dự án bồi thường, GPMB của thành phố). Để khắc phục tình trạng này, thành phố đã bố trí vốn chuyển tiếp, khởi công mới cho 44 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng vốn 4.181 tỷ đồng.

UBND TP cũng thành lập Tổ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án xây dựng tuyến metro số 2 để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án. Tính đến 31-7, TPHCM đã giải ngân hơn 20.059 tỷ đồng, đạt 47,6% kế hoạch vốn đã giao. Nếu tính cả khối lượng hoàn thành chưa quyết toán và vốn đã chi cho các dự án nhưng chưa hoàn trả tạm ứng trên 1.470 tỷ đồng, thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,1% kế hoạch vốn đã giao (hơn 42.139 tỷ đồng).

Giải ngân trong 4 ngày làm việc

UBND TPHCM cho biết thời gian tới, thành phố sẽ triển khai một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Cụ thể, tăng cường vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, xem việc thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020. Lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời gỡ khó cho từng trường hợp cụ thể. Thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc. Định kỳ 2 tuần/lần rà soát và báo cáo khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải ngân đầu tư công năm 2020.

Tin cùng chuyên mục